Tại sao châu Âu vẫn cần khí đốt của Nga?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bất chấp hơn hai năm rưỡi xung đột Nga - Ukraine, hàng loạt lệnh trừng phạt và nhiều lần EU và các nước châu Âu khẳng định sẽ hoàn toàn ủng hộ Kiev trong cuộc đối đầu với Moskva, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu.
Trạm nén khí đốt ở Morelmaison, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Trạm nén khí đốt ở Morelmaison, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 10/9, kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, châu Âu đã phải đối mặt với một loạt các thách thức về năng lượng. Dù đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, toàn bộ lục địa này vẫn tiếp tục nhận khí đốt từ Moskva. Điều đó đặt ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao châu Âu vẫn duy trì sự phụ thuộc này dù đã có nhiều nỗ lực và lệnh trừng phạt đối với Nga?

Sự phụ thuộc về năng lượng

Trước khi xung đột nổ ra, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Khí đốt được vận chuyển qua nhiều tuyến đường ống, bao gồm Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic, Belarus, Ba Lan, Ukraine, và Dòng chảy Turk qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi giao tranh nổ ra, Điện Kremlin đã cắt đứt hầu hết các nguồn cung qua các tuyến đường ống này, đặc biệt là qua Dòng chảy phương Bắc và Belarus-Ba Lan. Điều đó đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu.

Mặc dù có những biện pháp trừng phạt và các hành động quân sự của Ukraine, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu qua trạm Sudzha, một điểm trung chuyển quan trọng ở thị trấn Sudzha, Nga. Trạm này nằm trên tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Siberia qua Ukraine vào châu Âu. Ngay cả khi Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công vào khu vực Kursk, trạm Sudzha vẫn duy trì hoạt động. Theo đơn vị vận hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine, lượng khí đốt qua Sudzha vẫn ổn định, với khoảng 42,4 triệu mét khối khí đốt được lên kế hoạch vận chuyển trong tuần qua.

Trước xung đột, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống của Ukraine. Thỏa thuận này cho phép Nga tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine và Kiev thu phí quá cảnh. Dù thỏa thuận này sắp hết hạn vào cuối năm nay, Ukraine chưa có ý định chặn hoặc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt qua Sudzha, lý do chính là nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và duy trì nguồn thu từ phí quá cảnh.

Khó khăn đa dạng hóa nguồn cung

Châu Âu đã nỗ lực để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế. Đức đã chi hàng tỷ euro để thiết lập các nhà ga nổi nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và Na Uy cùng Mỹ đã trở thành hai nhà cung cấp lớn nhất để lấp đầy khoảng trống này. Tuy nhiên, việc thay thế khí đốt của Nga không phải là một nhiệm vụ đơn giản.

Áo, một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, đã tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga từ 80% lên 98% trong hai năm qua. Trong khi đó, Italy đã giảm nhập khẩu khí đốt trực tiếp từ Nga nhưng vẫn nhận khí đốt có nguồn gốc từ Nga thông qua Áo. Châu Âu cũng tiếp tục nhập khẩu khí đốt hóa lỏng, nhưng lượng khí đốt này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu toàn diện.

Một số quốc gia thành viên EU như Romania và Hungary đã ký hợp đồng khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia nhập khẩu khí đốt từ Nga. Armida van Rijd, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hoàng gia về các vấn đề quốc tế ở London, chỉ ra rằng khí đốt của Nga đang được “rửa” qua Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu.

Có nhiều lý do giải thích cho sự phụ thuộc kéo dài của châu Âu vào khí đốt Nga. Đầu tiên, việc giảm hoặc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga có thể gây ra những khó khăn lớn về năng lượng cho nhiều quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát cao và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Sự đa dạng hóa nguồn cung năng lượng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là khi nhiều nước phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng cao.

Hơn nữa, một số quốc gia châu Âu có mối quan hệ gần gũi với Moskva và phụ thuộc vào khí đốt Nga hơn những quốc gia khác. Hungary, chẳng hạn, đã trở thành "rào cản" của EU khi chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một phần vì sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và mối quan hệ tương đối gần gũi với Điện Kremlin.

Sự tiếp tục nhận khí đốt từ Nga, bất chấp những nỗ lực và lệnh trừng phạt của châu Âu, cho thấy sự phụ thuộc năng lượng sâu rộng của lục địa này vào Moskva. Dù châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt sự phụ thuộc này, thực tế cho thấy việc hoàn toàn thoát khỏi khí đốt của Nga là một thách thức lớn.

Uống "nước" chữa bách bệnh, nhiều người cận kề cửa tử
Uống "nước" chữa bách bệnh, nhiều người cận kề cửa tử
(Ngày Nay) - Sáng 15/10, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian vừa qua, Bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh, nguy hiểm tính mạng do uống loại nước được truyền bá có khả năng chữa bách bệnh.
Về An Giang chiêm ngưỡng miễn phí bảo vật quốc gia
Về An Giang chiêm ngưỡng miễn phí bảo vật quốc gia
(Ngày Nay) - Thông thường, các bảo tàng, các khu di tích đều có bán vé vào cửa để du khách tham quan. Thế nhưng tại An Giang, hiện có 8 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo được mở cửa miễn phí cho tất cả những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
(Ngày Nay) - Sáng 15/10/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”
Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”
(Ngày Nay) -Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Viettel giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất, được đánh giá cao nhất về phát triển bền vững ở Việt Nam
Viettel giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất, được đánh giá cao nhất về phát triển bền vững ở Việt Nam
(Ngày Nay) -Trong Bảng xếp hạng 100 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2024 vừa được công bố bởi Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) duy trì vị thế 9 năm liên tiếp là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp được công chúng đánh giá cao nhất về phát triển bền vững.