Các trường trung học cơ sở tại Afghanistan dành cho học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 18 và thường phân biệt về giới tính. Trong đại dịch COVID-19, các trường này phải đóng cửa nhiều lần và đã tạm ngừng hoàn toàn công tác giảng dạy kể từ khi Taliban nắm chính quyền ngày 18/8 vừa qua.
Theo một quan chức ngành giáo dục, Afghanistan hiện thiếu nghiêm trọng giáo viên do đa số họ là nữ và không được chính quyền Taliban cho phép tới trường.
Trước đó, tổ chức UNESCO đã cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập kỷ trong việc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, khi viễn cảnh bạo lực xuất hiện với sự trở lại của chính quyền Taliban.
Theo báo cáo, kể từ năm 2001, khi lực lượng Mỹ lật đổ chế độ Taliban cầm quyền ở Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9, số lượng trẻ em gái học tiểu học ở nước này đã tăng từ "gần như không" lên 2,5 triệu vào năm 2018.
Tỷ lệ biết đọc, biết viết của nữ giới tăng 30% và hiện có 4/10 học sinh ở các lớp tiểu học là trẻ em gái. Nhìn chung, khoảng 10 triệu trẻ em và thanh thiếu niên Afghanistan đang đi học, tăng so với gần 1 triệu vào năm 2001.
Tuy nhiên, chính quyền mới của Taliban đã ra lệnh nữ sinh viên theo học các trường đại học tư thục, vốn đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, sẽ không được học cùng các bạn nam. Học sinh nữ cũng phải dùng áo choàng dài abaya và mạng che mặt niqab.
Các quy tắc cứng rắn hơn cũng sẽ được áp dụng trong các cơ sở giáo dục công lập như cấm thầy giáo dạy học sinh nữ. Đây là một vấn đề lớn ở một quốc gia vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nữ.
Báo cáo của UNESCO cho rằng điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào cơ hội tham gia của phụ nữ Afghanistan vào giáo dục đại học và giáo dục của trẻ em gái, tác động tiêu cực đến cuộc sống, công việc và quyền công dân của họ.
Cũng theo báo cáo, trước khi Taliban trở lại nắm quyền, những thách thức về giáo dục ở Afghanistan đã rất lớn, "một nửa số trẻ em ở độ tuổi tiểu học không có cơ hội đến trường, trong khi 93% trẻ em ở độ tuổi cuối tiểu học không đọc thông, viết thạo".