Một số nhà quan sát nhận định việc Tổng thống Joe Biden sẵn sàng gặp người đồng cấp Vladimir Putin, trong khi trước đó liên tục có những phát biểu chỉ trích đối phương, là dấu hiệu cho thấy Washington muốn tách Moscow và Bắc Kinh, tránh để hai quốc gia này liên thủ, đối chọi với Mỹ.
Nhưng liệu Mỹ có thể chia rẽ được mối quan hệ song phương giữa Moscow-Bắc Kinh hay không? Điều đó thật khó có thể xảy ra. Tổng thống Biden và chính quyền của ông hiểu rất rõ rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc sẽ không bao giờ bị chia rẽ bởi những những chiến thuật như vậy.
Giờ đây, thay vì ra sức gieo rắc sự cạnh tranh giữa Moscow và Bắc Kinh trong vô vọng, Washington đã thay đổi chiến lược mới, duy trì quan hệ ổn định mối với Nga, và sau đó, có thể tập trung vào việc chống lại Trung Quốc.
Chính sách “ổn định nước Nga” của chính quyền Biden tuy không chắc chắn sẽ mang lại thành công, nhưng có thể sẽ đem lại hiệu quả dưới một số góc độ nhất định. Trước tiên có thể thấy, Nga dường như không còn muốn đối đầu với phương Tây như giai đoạn một thập niên trước đây.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ có thể được coi là một nỗ lực để đạt được một hiệp ước không tấn công giữa hai quốc gia. Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng nỗ lực ấy đã đạt được thành công, nhưng dường như Nhà Trắng cũng đang cho thấy thiện chí và mong muốn vun đắp mối quan hệ với Điện Kremlin.
Điều đó có thể dễ dàng thấy được qua một số dấu hiệu trong thời gian gần đây. Thứ nhất, ông Biden và người đồng cấp Putin đều đã đưa ra tuyên bố tính ổn định về chiến lược đối ngoại của hai nước này. Thứ hai, họ đã cởi mở, cùng thảo luận về vấn đề an ninh mạng, và có thể đã đạt được thoả thuận về việc không tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau.
Thứ ba, Washington dường như đã tạm gác lại ý định đẩy nhanh tiến trình giúp Ukraine gia nhập khối NATO, điều này sẽ tạm thời loại bỏ được điểm nóng dễ khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên xấu đi.
Trong khi đó, ông Joe Biden đã không đưa ra bất kỳ thoả hiệp nào với Trung Quốc. Có lẽ không giống như trường hợp với Nga, Mỹ dường như đang xác định sẽ không thể tránh khỏi một cuộc chiến với Trung Quốc vào một thời điểm nào đó.
Tuy nhiên, một số diễn biến xảy ra sau cuộc gặp giữa Putin và Biden ở Thụy Sĩ đã nhấn mạnh một thực tế rằng Moscow và phương Tây chắc chắn sẽ tiếp tục coi nhau là đối thủ, và việc hòa giải giữa các bên sẽ không hề dễ dàng.
Cùng thời điểm hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước diễn ra, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ngoài khơi quần đảo Hawaii. Đây là cuộc tập trận hải quân lớn đầu tiên của Nga trên vùng biển Thái Bình Dương kể từ thời Liên Xô.
Vào ngày 23/6, trong khuôn khổ cuộc tập trận của NATO ở Biển Đen, một tàu khu trục của Anh đã tiến gần đến bán đảo Crimea. Trước diễn biến đó, Nga đã kích hoạt cảnh báo và ném bom nhằm mục đích tự vệ.
Thời gian gần đây, Nga đã chứng tỏ mối quan hệ thân thiết ngày càng sâu sắc với Trung Quốc. Vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov và là thành viên nội các thứ hai trong chính phủ Nga đến thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trước đó Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã có chuyến thăm nước này vào hồi tháng 3. Chuyến thăm của Bộ trưởng Siluanov đã cho thấy mối quan hệ hợp tác về mặt tài chính ngày cannfg phụ thuộc lẫn nhau của Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có cuộc hội đàm trực tuyến nhân kỷ niệm 20 năm Hiệp ước láng giềng hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc. Sau cuộc hội đàm, hai nước đã cùng đưa ra một tuyên bố chung, đồng ý gia hạn hiệp ước này.
Tuyên bố chung giữa hai nước này đề cập đến quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung, xác định quan hệ giữa hai nước "không phải là một liên minh chính trị-quân sự", mà trên thực tế là "vượt trội" so với các liên minh truyền thống thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Dù tuyên bố trên có phần hơi mâu thuẫn, nhưng cũng mang tính gợi ý, đặc biệt là khi trong một tuyên bố tương tự, hai bên cũng đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự, bao gồm thông qua việc “tăng số lượng và quy mô các hoạt động huấn luyện cũng như các cuộc tập trận chung”.
Đáng chú ý, trong tuyên bố chung giữa hai nước, có đến gần hai trang được dành để nói về vấn đề an ninh mạng. Trong quá khứ, Moscow luôn có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh về các vấn đề quản trị dữ liệu và Internet, nhưng mối liên kết này giờ đây có thể đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Không thể loại trừ khả năng rằng Moscow đã đồng ý ủng hộ sáng kiến của Bắc Kinh về các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu toàn cầu để đổi lấy sự công nhận của Trung Quốc về các quyền đặc biệt của Nga với tư cách là quốc gia ven biển nằm tại Bắc Cực trong tuyên bố chung.
Đây dường như là lần đầu tiên Trung Quốc công nhận Tuyến đường Biển phía Bắc ở Bắc Băng Dương là lãnh thổ của Nga. Nếu ai đó từng nghĩ sẽ có một cuộc xung đột giữa Nga-Trung Quốc ở Bắc Cực, có lẽ họ sẽ phải thay đổi nhận định đó.
Sự gần gũi về mặt chiến lược ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc không tỷ lệ thuận với việc Moscow sẽ trở thành đối tác "ở thế dưới" của Bắc Kinh. Trong khi đồng thuận với Trung Quốc về hầu hết các vấn đề quốc tế lớn, Nga vẫn có những chiến lược riêng của mình đối với khu vực Á-Âu.
Nhìn ở góc độ khác, tuyên bố Nga-Trung dù đề cập đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng cũng được đặt cùng với sáng kiến của Nga về Quan hệ Đối tác Mở rộng. Điều này cho thấy chính quyền Moscow không muốn đặt Trung Quốc làm trung tâm của quá trình hội nhập Á-Âu mà đòi hỏi phải có những thỏa thuận cân bằng giữa hai quốc gia.
Mặc dù đã thừa nhận về ưu thế, tiềm lực kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, Điện Kremlin dường như vẫn muốn duy trì vai trò về mặt chính trị-ngoại giao của Nga và đa phương hoá quá trình hội nhập khu vực Á-Âu.