Khách đến từ 190 quốc gia
Để thu hút khách, hoạt động xúc tiến hình ảnh du lịch Hà Nội thân thiện, mến khách được thành phố đẩy mạnh. Mới đây, Hà Nội đã tổ chức thành công hội nghị Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á lần thứ 16 – CPTA 16 với sự tham gia của các thành phố thành viên như: Tokyo, Kuala Lumpur, Jakarta, Đài Bắc, Metropplitan Manila...
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Qua thảo luận, các thành phố là thành viên CPTA đã thống nhất tăng cường xúc tiến qua việc xây dựng trang web du lịch chung để tăng cường xúc tiến quảng bá. Đồng thời, Hà Nội sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức đối tác song phương giữa các thành phố, trong đó tập trung vào thị trường khách tiềm năng đến Hà Nội như Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia). Nguồn khách từ các thị trường này đến Hà Nội trong những năm gần đây tăng bình quân 20-30%/năm.
Chủ tịch CPTA Yuji Fujita cũng khẳng định, qua 16 năm hợp tác và phát triển, Hà Nội thực sự đã trở thành một điểm đến thu hút du khách quốc tế, khi sở hữu nhiều lợi thế về văn hóa truyền thống, lịch sử và những bước tiến trong đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng.
Công tác quảng bá hình ảnh cũng được đẩy mạnh qua việc Hà Nội chi 2 triệu USD để đưa hình ảnh Hà Nội trên kênh CNN trong hai năm 2017 – 2018. Chương trình này được Diễn đàn Tổ chức Xúc tiến du lịch các TP châu Á - Thái Bình Dương (TPO) lần thứ 8 vinh danh là Chiến dịch marketing tốt nhất TPO, cho thấy tính hiệu quả của sự đầu tư này. Hiện nay, CNN đang phát quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội, trong đó bổ sung thông tin quảng bá bầu chọn Hà Nội là điểm đến hàng đầu thế giới.
Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội cũng đang mở đợt vận động người dân và du khách tham gia bình chọn thành phố Hà Nội là một trong 17 điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018, do Tổ chức Du lịch Thế giới phát động. Đây là cơ hội để Thủ đô Hà Nội quảng bá hình ảnh về lịch sử và con người Hà Nội – Việt Nam, tạo thêm lợi thế trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến với Hà Nội trong thời gian tiếp theo.
Cùng với xúc tiến quảng bá, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức chương trình khảo sát FAM châu Âu, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn và châu Âu được trực tiếp trao đổi, giới thiệu các sản phẩm du lịch, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác và hoạt động xúc tiến du lịch giữa các bên. Bà Barbara Leitner, đại diện của một công ty lữ hành đến từ Tây Ban Nha cho rằng, chính những nét đặc trưng vốn có trong cuộc sống thường ngày của người dân là điểm thu hút du khách của Hà Nội, được trải nghiệm những nét văn hóa hoàn toàn khác biệt với quê nhà.
Có thể thấy, lượng khách quốc tế đến Thủ đô đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua. Bình quân trong 2 năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng từ 16-20%. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 20 triệu lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt trên 4,3 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần khách du lịch quốc tế đến Hà Nội chiếm gần 40% so với tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó đặc biệt là khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á và nhiều thị trường khác. Các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Úc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Canada. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội.
Phân loại các điểm, khu du lịch để thu hút đầu tư
Với lợi thế là Thủ đô, Hà Nội có thế mạnh phát triển du lịch hội nghị, hội thảo (du lịch MICE). Do đó, hạ tầng về cơ sở lưu trú trong thời gian qua được đầu tư tăng mạnh. Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.546 cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch), với tổng số 60.516 buồng phòng. Trong đó đã xếp hạng 1-5 sao cho 552 khách sạn và 7 căn hộ du lịch với 22.453 buồng phòng (có 67 khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao với tổng số 10.004 buồng phòng, 6 khu căn hộ du lịch cao cấp từ 4-5 sao với 1.065 phòng; công suất sử dụng buồng phòng bình quân 9 tháng 2018 ước đạt 64,86%.
Đồng thời, Sở Du lịch xếp hạng, phân loại 21 cơ sở dịch vụ ăn uống, 24 cơ sở dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch.
Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng được khung dữ liệu và thông tin cơ bản liên quan đến điểm đến theo 5 loại hình (du lịch di sản - di tích; du lịch làng nghề; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch thể thao - vui chơi giải trí và du lịch nông nghiệp). Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định báo cáo UBND thành phố quyết định công nhận đối với 3 điểm du lịch (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò) và 1 khu du lịch cấp thành phố (Khu du lịch Ao Vua, huyện Ba Vì).
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn thành phố, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí chuẩn công nhận điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao của thành phố trên cơ sở các quy định pháp luật và phù hợp với thực tế thành phố, trình UBND TP xem xét, quyết định; Xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động của các khu du lịch, điểm tham quan du lịch hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố; tổng hợp, thống kê phân loại cụ thể các điểm du lịch, khu du lịch theo từng nhóm; từ đó, đề xuất danh mục các khu, điểm du lịch chất lượng cao (khoảng từ 20 đến 30 điểm) cần tập trung đầu tư gắn với các mục tiêu, lo trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thế nhằm nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn tiêu biểu của thành phố trong giai đoạn 2018-2020.
Sở Du lịch tham mưu, đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các điểm đến du lịch nhằm khuyến khích các đơn vị tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp trong tổ chức, quản lý điểm đến du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô có chất lượng dịch vụ cao và bền vững.