Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, đề xuất của Madrid và EC bao gồm việc dỡ bỏ hàng rào nhằm đảm bảo việc đi lại tự do giữa Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh.
Tuyên bố nêu rõ: "Việc này đòi hỏi Tây Ban Nha - đại diện cho khu vực Schengen, nắm quyền kiểm soát biên giới bên ngoài của Gibraltar để cuối cùng có thể thực hiện một số chức năng và quyền lực cần thiết nhất định nhằm bảo vệ tính hợp nhất và an ninh của khu vực Schengen".
Trước đó, ngày 31/12/2020, Tây Ban Nha, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí rằng Gibraltar vẫn sẽ tham gia các thỏa thuận của EU như Khu vực Schengen, và Tây Ban Nha sẽ phụ trách giám sát cảng biển cũng như sân bay của vùng lãnh thổ này, trong thời gian chờ giải pháp sau cùng.
Khoảng 15.000 người đi lại hằng ngày từ Tây Ban Nha sang Gibraltar, vùng lãnh thổ có dân số khoảng 32.000 người.
Theo Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, Madrid đồng ý tạm gác lại tuyên bố chủ quyền đối với Gibraltar để tập trung vào cơ hội duy trì biên giới mở giữa hai bên.
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm gần cực Nam bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc. Trước kia, Gibraltar là một căn cứ quân sự quan trọng của lực lượng vũ trang và hải quân Hoàng gia Anh.
Trong một thời gian dài, hai thế lực đế quốc hùng mạnh Anh và Tây Ban Nha đã tranh giành quyền thống trị vùng đất này. Tây Ban Nha phải trao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Gibraltar cho Anh theo Hiệp ước Utrecht năm 1713, song từ đó, Madrid nhiều lần yêu cầu London trả lại vùng đất này. Cuộc trưng cầu ý dân năm 2002 cho thấy 99% người dân Gibraltar bác bỏ ý tưởng Anh chia sẻ cùng Tây Ban Nha chủ quyền vùng đất này.