Cụ thể, trong số 78 ca bệnh bạch hầu, Đắk Nông là tỉnh ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, Kon Tum có 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đăk Lăk ghi nhận 3 trường hợp.
Theo phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên trong số 78 ca bệnh này, có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng - người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên địa bàn huyện M’Đắk vừa ghi nhận thêm hai ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu vào sáng 12/7. Cả hai đều là nam, sinh năm 1994, cùng trú thôn 7, xã Cư Króa.
Hiện ngành y tế Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch; lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; phun thuốc khử khuẩn tại nhà bệnh nhân và 25 hộ xung quanh.
Tại Gia Lai, ông Mai Xuân Hải - giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết cơ quan chức năng ngày 11-7 phát hiện thêm một ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại xã Đak Smei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Bệnh nhân là nữ, 3 tuổi, trú tại làng Bok Rei.
"Chúng tôi đã khám sàng lọc và cấp thuốc điều trị cho toàn bộ người dân ở huyện Đak Đoa. Ngày 12-7 chúng tôi sẽ tiêm vaccine. Đến thời điểm này, công tác khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan vẫn được ngành y tế tỉnh triển khai quyết liệt; công tác giám sát, cách ly các thôn, làng có ổ dịch vẫn đang được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, các trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu đang được điều trị tích cực, có dấu hiệu tiến triển tốt", ông Hải cho biết.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đánh giá, bệnh nhân hầu hết là người lớn do những người này giai đoạn năm 1991-1995 chưa được tiêm chủng nên không có miễn dịch bạch hầu, báo Sức khỏe & Đời sống thông tin.
Ngoài ra, dù tiêm vaccine nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan. Vaccine chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bệnh bạch hầu cần phải phát hiện sớm, vì thế điều tra dịch tễ để truy vết là rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng.
Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh bạch hầu, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng cần 3 bước để thực hiện.
Thứ nhất là cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn nâng cao nhận thức để nhận biết được bệnh. Khi phát hiện ra bệnh đặc biệt là phát hiện sớm, gửi mẫu và xử lý nhanh, thì ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch và đồng thời góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các khu vực khác.
Thứ hai là làm tốt công tác điều tra dịch tễ khi có ca bệnh xuất hiện.
Thứ ba là giải pháp bền vững và an toàn nhất là vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng làm sao đảm bảo được tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.