Hai nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học Mỹ và Đức chỉ ra một số tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi cảm lạnh thường cũng phản ứng khi tiếp xúc với nCoV. Dù chưa nghiên cứu nào chỉ rõ ký ức có sẵn của tế bào miễn dịch có tác động tới kết quả điều trị Covid-19 hay không, cả hai nhóm đều kết luận bằng chứng về miễn dịch chéo có thể lý giải tại sao một số người phản ứng mạnh hơn với bệnh này. Việc hiểu rõ cách hệ miễn dịch của con người chiến đấu với Covid-19 có thể giúp giới nghiên cứu thiết kế vaccine và thuốc điều trị bệnh.
Nghiên cứu công bố đầu tháng 8 trên tạp chí Nature của các nhà khoa học Đức phát hiện cứ một trong 3 tình nguyện viên chưa từng nhiễm nCoV trước đây, có loại tế bào miễn dịch gọi là tế bào T hỗ trợ giúp nhận dạng virus. "Phát hiện này có nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt dịch tễ với miễn dịch cộng đồng và lên kế hoạch phòng chống Covid-19", nhóm nghiên cứu ở bệnh viện Đại học Charite tại Berlin và Viện Di truyền Phân tử Max Planck, cho biết.
Các nhà nghiên cứu kiểm tra cách tế bào T hỗ trợ phản ứng với những đoạn gene nCoV tổng hợp trong máu của 68 người khỏe mạnh, đồng thời xem xét phản ứng miễn dịch tương tự ở 18 bệnh nhân nhiễm virus. Tế bào T hỗ trợ giúp thúc đẩy phản ứng miễn dịch từ tế bào và kháng thể khác, nhưng vai trò của chúng đối với chống nCoV chưa được hiểu rõ. Nhà nghiên cứu Leif Erik Sander ở bệnh viện Charite cho biết nhiều khả năng chúng có tác dụng bảo vệ. "Trong trường hợp này, việc nhiễm cảm lạnh thường trong thời gian gần đây có thể dẫn tới triệu chứng Covid-19 ít nghiêm trọng hơn", Sander giải thích.
Nghiên cứu thứ hai công bố trên tạp chí Science hôm 4/8 của các nhà khoa học Mỹ xác định sự tương đồng về mặt cấu tạo giữa nCoV và virus corona gây bệnh cảm lạnh khiến tế bào T phản ứng. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng trực tiếp về mặt phân tử giúp chứng minh tế bào T có thể nhận biết sự tương đồng giữa nCoV và virus corona gây bệnh cảm lạnh, theo đồng tác giả nghiên cứu Alessandro Sette ở Viện Miễn dịch học La Jolla tại Mỹ.
Tuy nhiên, Ashley St. John, nhà miễn dịch học kiêm phó giáo sư ở Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng cần tiến hành thêm những nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để hiểu rõ hoạt động chéo của tế bào miễn dịch. Joanna Kirman, phó giáo sư khoa vi sinh vật học và miễn dịch học ở Đại học Otago, New Zealand, cũng nhấn mạnh chúng ta chưa rõ phản ứng miễn dịch chéo của tế bào T có tác động với kiểm soát lây nhiễm hay không.