Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dù cách xa vùng chiến sự Ukraine hàng nghìn cây số, chính quyền của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo và đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long

Cuối tuần qua, Singapore đã công bố các lệnh cấm kinh doanh với 4 ngân hàng Nga, cũng như hạn chế gây quỹ cho chính phủ Nga hoặc ngân hàng trung ương của nước này. Singapore cũng ban hành lệnh cấm xuất khẩu các công nghệ quan trọng.

Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã lên tiếng phản đối chiến tranh tại Ukraine. Nhưng phản ứng mạnh mẽ của Singapore hết sức nổi bật tại Đông Nam Á - một dấu hiệu cho thấy mối quan tâm của quốc gia nhỏ bé này đối với nơi mà thế giới đang hướng tới sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19.

"Những gì đang xảy ra ở Ukraine hiện quan trọng đối với chúng tôi", ông Lý Hiển Long nói trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 28/2, khi phản đối chiến dịch của Nga. "Nếu các mối quan hệ quốc tế dựa trên cơ sở 'lẽ phải thuộc về kẻ mạnh', thế giới sẽ là một nơi nguy hiểm đối với các nước nhỏ như Singapore."

Những tuần gần đây đã mang đến những tín hiệu khác về cách quốc gia 5,45 triệu dân hình dung vị trí của mình trên thế giới. Sau cuộc suy thoái nghiêm trọng do COVID-19 gây ra, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đang bắt đầu phục hồi và chính phủ đang vạch ra lộ trình hướng tới một mô hình tăng trưởng mới.

Nhưng môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng - không chỉ liên quan đến Ukraine mà còn đối với sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và việc Đông Nam Á chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Myanmar - làm phức tạp thêm một quá trình chuyển đổi vốn đã đầy thách thức.

Khi những thế lực toàn cầu này xoay chuyển, Singapore sẽ tìm kiếm sự rõ ràng hơn trong năm nay về một câu hỏi nhức nhối: Ai sẽ dẫn đường thay ông Lý?

Điều đó lẽ ra đã được trả lời trong năm nay.

Ông Lý, người đứng đầu Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền và là con trai của Lý Quang Diệu, đã tại vị chức Thủ tướng được 17 năm. Điều này khiến ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong số các nền kinh tế quan trọng của châu Á, sau Hun Sen của Campuchia. Tháng trước, ông Lý đã bước sang tuổi 70, độ tuổi mà ông từng nói rằng muốn nghỉ hưu.

Kế hoạch tìm người kế vị cho ông Lý đã thất bại một năm trước khi Phó Thủ tướng Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) đã tự rút lui. Ông Vương, người đã bước sang tuổi 60 vào năm ngoái, viện dẫn đến cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài và cho rằng đất nước sẽ được phục vụ tốt hơn bởi một người trẻ tuổi. Các nhà quan sát cho rằng thành tích yếu kém của ông Vương trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, khi đảng PAP hầu như không giành được chiến thắng ở chính quận của ông Vương, cũng có thể liên quan đến quyết định này.

Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long ảnh 1

Ông Vương Thụy Kiệt từng được dự đoán là nhà lãnh đạo tiếp theo của Singapore.

Sau ông Vương, có hai ứng cử viên hàng đầu nổi bật trong số những chính trị gia thuộc nhóm "4G" (thế hệ thứ tư) khoảng 50 tuổi: Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung.

Cả Wong và Ong là đồng chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của chính phủ. Trong khoảng một năm trở lại đây, họ đã nâng tầm vị thế và tìm cách kết nối với công chúng, không chỉ thông qua các phương tiện truyền thông mà còn trên các nền tảng trực tuyến như Instagram.

Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long ảnh 2

Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong là một trong ba ứng viên hàng đầu kế nhiệm ông Lý Hiển Long.

"Wong và Ong đã hoạt động tốt và đã gia tăng uy tín của họ qua chiến dịch chống COVID-19. Họ đã tận dụng tốt cơ hội được trao cho mình", Michael Barr, phó giáo sư tại Đại học Flinders của Australia cho biết. "Họ cũng đã thể hiện thành công mình là những người đàn ông lịch thiệp thay vì là những nhà khoa học tẻ nhạt."

Trong một đoạn video ngắn được đăng trên mạng xã hội trước Tết Nguyên Đán, hai vị bộ trưởng đã cùng nhau kêu gọi người dân giữ an toàn trong những ngày nghỉ lễ, ông Ong nói: "Hãy cùng nhau vượt qua làn sóng Omicron này."

Singapore năm ngoái là một trong những quốc gia đầu tiên đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 80%. Hơn 2/3 dân số đã được tiêm nhắc lại. Trong khi số ca mới mỗi ngày vẫn còn trên 10.000 ca vào đầu tháng 3, thế nhưng 99% ca nhiễm mới ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, cho phép chính phủ tiếp tục chiến lược "sống chung với COVID-19".

Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long ảnh 3

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nhận được sự tín nhiệm nhờ vai trò dẫn đầu trong chiến dịch chống COVID-19.

Giáo sư Garry Rodan từ Đại học Queensland đã bày tỏ sự ấn tượng với Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong - người đã đi đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 và kế thừa vị trí chủ chốt từ Vương Thụy Kiệt.

“Nhờ có cơ hội tỏa sáng, Lawrence Wong có thể đã nâng cao triển vọng của mình thông qua vai trò quản lý kinh tế và lãnh đạo trong lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Singapore”, giáo sư Rodan chỉ ra. "Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ứng viên thủ tướng tiếp theo đã được lựa chọn."

Truyền thông Singapore cũng chỉ ra Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing cũng là một ứng viên tiềm năng. Ông giữ Chan vị trí cao hơn trong đảng cầm quyền so với Wong và Ong, chỉ sau Thủ tướng Lý Hiển Long và ông Vương Thụy Kiệt.

Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long ảnh 4

Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing cũng là một thành viên của nhóm bộ trưởng "4G".

Bất kể ai lên nắm quyền, nhiệm vụ của người đó sẽ là chèo lái con thuyền Singapore phát triển ổn định trong một thế giới bất ổn.

Singapore đã có sự phát triển vượt bậc trong nhiều thập kỷ, sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1965, nhờ vào mô hình "nền kinh tế trung tâm" độc đáo kết nối châu Á với thế giới thông qua thương mại và du lịch. Nhưng ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng của nước này đang ở mức thấp, bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các yếu tố khác. Năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội của Singapore chỉ tăng 1,1%.

Sau đó, dịch bệnh này đã đẩy Singapore xuống mức giảm 4,1% vào năm 2020. Nhưng hiện tại nước này đang phục hồi với tỷ lệ 7,6% vào năm 2021 và đặt mục tiêu tăng trưởng 3% đến 5% trong năm nay, tương đương với đầu những năm 2010.

“Các số liệu kinh tế rất đáng khích lệ, nhưng Singapore vẫn còn một khoảng cách nữa để phục hồi hoàn toàn sau đại dịch”, Eugene Tan, phó giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết. “Thách thức là có thể duy trì sự tăng trưởng kinh tế và tạo đà cất cánh cho nền kinh tế trước khi các nền kinh tế khác làm được. Sự phục hồi sau đại dịch phải thực sự, lâu dài và có ý nghĩa."

Dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2022 được công bố vào tháng 2, đưa ra một số dấu hiệu về cách chính phủ Singapore dự định đạt được điều đó.

Theo lời của Bộ trưởng Tài chính Wong, ngân sách "vạch ra lộ trình cho Singapore để thích ứng và phát triển mạnh mẽ trong một thế giới hậu đại dịch."

Ngân sách không để lại nhiều nghi ngờ về quyết tâm của Singapore trong việc định vị mình là một quốc gia dẫn đầu về môi trường. Để thúc đẩy các doanh nghiệp làm trong sạch hành vi của họ, thuế suất carbon sẽ được tăng từ 5 đô la Singapore (3,7 USD) mỗi tấn lên 25 đô la Singapore vào năm 2024 và 45 đô la Singapore vào năm 2026, trước khi đạt 50 đô la Singapore lên 80 đô la Singapore vào năm 2030.

Chính phủ cũng có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực kỹ thuật số của mình, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng băng thông rộng và mạng viễn thông 6G, cũng như đào tạo lại công nhân địa phương.

Để trang trải các chi phí công ngày càng tăng, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe cho dân số già, hệ thống thuế sẽ được đại tu. Điều này sẽ bao gồm việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ từ 7% lên 9% vào năm 2024, cũng như tăng thuế thu nhập cá nhân đối với những người giàu có.

Người kế nhiệm ông Lý Hiển Long cần phải xem xét các kế hoạch này và đáp ứng được kỳ vọng của công chúng.

Trong nhiều thập kỷ, đảng PAP nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhờ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tình hình kinh tế ảm đạm hơn trong những năm gần đây đã khiến các đảng đối lập của PAP giành được lợi thế trong các cuộc thăm dò dư luận.

Đặc biệt, những cử tri trẻ tuổi đã thể hiện mong muốn đa nguyên chính trị lớn hơn: Ngay trước cuộc bầu cử, trung tâm phân tích số liệu Blackbox Research nhận thấy rằng 75% công dân từ 21 đến 24 tuổi muốn có nhiều lựa chọn hơn trong các cuộc bầu cử.

Nhận thức được làn sóng quan điểm mới, Bộ trưởng Lawrence Wong nói rõ: "Mong muốn về sự đa dạng trong quốc hội, về sự kiểm tra và cân bằng, là vĩnh viễn. Nó sẽ vẫn tồn tại. Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế mới này."

Nhưng liệu điều gì có thể giúp Singapore và nhà lãnh đạo tiếp theo của nước này chuẩn bị đối phó với thực tế toàn cầu mới?

Giáo sư Rodan của Đại học Queensland nhấn mạnh rằng ngay cả khi sự phục hồi kinh tế diễn ra theo đúng kế hoạch, nó "sẽ không có nghĩa là chấm dứt những thách thức nghiêm trọng, do các động lực toàn cầu có thể xuất hiện từ cuộc chiến tại Ukraine vốn đã lan rộng khắp thế giới thông qua giá dầu."

Phó giáo sư Michael Barr của Đại học Flinders cho biết Singapore không muốn tỏ ra nổi bật trong vấn đề Ukraine so với các quốc gia trong khu vực.

Thách thức dành cho người kế nhiệm ông Lý Hiển Long ảnh 5

Thủ tướng tiếp theo của Singapore sẽ nắm trọng trách đưa đất nước vượt qua tác động của đại dịch và trật tự mới của địa chính trị thế giới.

"Điều thực sự đáng ngạc nhiên là họ đã đi xa đến mức áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với lĩnh vực tài chính. Tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu được rằng chính phủ Singapore nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của chiến dịch tại Ukraine như thế nào trong trật tự hậu Chiến tranh Lạnh và mức độ nghiêm túc của nước trong việc sát cánh với phương Tây, ngay cả khi có thể khiến Trung Quốc phật ý", ông Barr nhận định.

Tuần trước, Bộ trưởng Wong cảnh báo rằng Singapore sẽ "đương đầu với nhiều thách thức hơn, nơi lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, mặc dù đó không phải là lập trường mà chúng ta có thể chấp nhận, và nơi các quy tắc quốc tế bị các cường quốc lớn phớt lờ. Đây là một thế giới sẽ ít hiếu khách hơn đối với các nước nhỏ, chứ chưa nói đến một thành phố nhỏ như Singapore."

Nếu đúng như vậy, vị thế của Singapore trong các mối quan hệ quốc tế sẽ trở nên quan trọng hơn tất cả. Và điều đó sẽ sớm phụ thuộc vào người kế nhiệm ông Lý Hiển Long.

"Lý Hiển Long có uy tín rất lớn trong mắt các nhà lãnh đạo khu vực và toàn cầu. Người thay thế ông ấy sẽ mất nhiều thời gian để thiết lập một vị thế tương đương", giáo sư Rodan nói.

Phó giáo sư Eugene Tan cho biết cuộc chuyển giao quyền lực tại Singapore sẽ có tác động tới khu vực, nơi Singapore từ lâu đã đóng vai trò là "người ủng hộ và đấu tranh cho cân bằng quyền lực và thương mại tự do ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Đông Nam Á."

Để duy trì sự phù hợp về mặt kinh tế và địa chính trị, ông Tan cho rằng Singapore "sẽ cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm nhìn xa, người có thể nhận được sự tôn trọng, lòng tin từ các nhà lãnh đạo trong khu vực."

Ông Tan dự đoán ứng viên thay thế Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ lộ diện sau cuộc bầu cử ban chấp hành trung ương của đảng PAP, dự kiến ​​vào cuối năm 2022.

“Có khả năng Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt sẽ không tiếp tục làm lãnh đạo của đảng PAP nữa. Người kế nhiệm của ông ấy trong cương vị này sẽ sẵn sàng trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Lý", ông Tan nhận định.

Một dấu hiệu sớm hơn có thể là cuộc cải tổ nội các tiếp theo, có thể là vào nửa cuối năm nay. Một bộ trưởng trong nhóm "4G" có thể được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, vị trí mà ông Lý và người tiền nhiệm Goh Chok Tong đảm nhận trước khi nhậm chức Thủ tướng.

Việc bàn giao quyền lực thực tế có thể sẽ diễn ra vào khoảng thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2025. Nhưng phó giáo sư Tan nhấn mạnh rằng việc này nên diễn ra càng sớm càng tốt.

“Tôi tin rằng danh tính của nhà lãnh đạo tiếp theo nên được biết công bố trước khi năm 2022 kết thúc. Nếu không tìm thấy người kế nhiệm vào tháng 4 năm 2023, hai năm sau khi ông Vương Thụy Kiệt rút lui và hai năm rưỡi trước thời hạn bầu cử, niềm tin của công chúng sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng", ông Tan chỉ ra.

Theo Nikkei Asia
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?