“Nếu mọi người tiếp tục chia rẽ như hiện tại, quốc gia này sẽ sụp đổ,” ông Prayuth phát biểu trước báo giới. "Nếu viễn cảnh này thực sự xảy ra, chỉ cần chờ đợi và mọi người sẽ chứng kiến cả đất nước chìm trong biển lửa".
Hiện Thái Lan đang bị cuốn vào một làn sóng biểu tình với sự tham gia của hơn 10.000 người nhằm kêu gọi Thủ tướng Prayuth từ chức, soạn thảo lại hiến pháp và tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới.
Một số người biểu tình thậm chí còn công khai kêu gọi cải cách chế độ quân chủ của đất nước - đây vốn là một chủ đề cấm kỵ ở Thái Lan. Bất cứ ai xúc phạm hoàng gia Thái Lan có thể bị bỏ tù 15 năm.
Đám đông người biểu tình phản đối chính phủ tại Thái Lan. |
“Tôi thực sự bất lực trước tình trạng này”, Thủ tướng Prayuth bày tỏ quan điểm về làn sóng biểu tình của sinh viên.
Cảnh sát Thái Lan hôm thứ Tư đã bắt giữ Tattep Ruangprapaikitseree và Panumas Singprom - các thủ lĩnh của nhóm Thanh niên Tự do.
Điều này càng khiến đám đông biểu tình trở nên tức giận và tuyên bố sẽ tổ chức thêm một cuộc tuần hành vào ngày 19/9, ngày kỷ niệm cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 khiến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra phải sống lưu vong tại nước ngoài và kể từ đó Thái Lan chìm sâu vào khủng hoảng chính trị.
Tattep và Panumas sau đó đã được cho tại ngoại và phủ nhận các cáo buộc của chính phủ Thái Lan.
Hai người này nằm trong số 15 cá nhân bị buộc tội tham gia cuộc biểu tình ngày 18/7 vì vi phạm luật an ninh nội địa và vi phạm lệnh cấm tụ tập đông người trong thời điểm dịch COVID-19.
Thủ tướng Prayuth cho biết hiện tại nhà vua Thái Lan không yêu cầu truy tố các cá nhân mạo phạm hoàng gia.