Đây là lần đầu tiên một quốc gia kết hợp vaccine của phương Tây với vaccine do Trung Quốc sản xuất, sau khi một nghiên cứu sơ bộ của Thái Lan làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả lâu dài của vaccine Sinovac.
“Điều này nhằm cải thiện khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta và xây dựng mức độ miễn dịch cao chống lại căn bệnh này”, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng liều AstraZeneca thứ hai sẽ được tiêm sau mũi Sinovac đầu tiên 3-4 tuần.
Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc kết hợp vacicne của hai hãng Sinovac và AstraZeneca được công bố, nhưng ngày càng nhiều quốc gia đang xem xét việc kết hợp các loại vaccine khác nhau hoặc tiêm liều nhắc lại thứ ba trong bối cảnh biến thể mới sẽ đe dọa độ hiệu quả của hai liều vaccine thông thường.
Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Bộ Y tế Thái Lan cho biết 618 nhân viên y tế trong số 677.348 nhân viên được tiêm hai liều vaccine Sinovac đã mắc COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 7.
Hôm thứ Hai, một nghiên cứu sơ bộ của Thái Lan với 700 nhân viên y tế chỉ ra rằng tỷ lệ bảo vệ của vaccine Sinovac chỉ dao động từ 60-70% trong 60 ngày đầu tiên sau liều thứ hai, nhưng tỷ lệ này giảm dần theo thời gian và sẽ liên tục giảm một nửa cứ sau 40 ngày.
"Nếu nhân viên y tế của chúng tôi được tiêm hai liều Sinovac, họ chắc chắn nên tiêm mũi nhắc lại thứ ba", nhà nghiên cứu Sira Nanthapisal từ Đại học Thammasat cho biết.
Kể từ tuần này, Thái Lan sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất tại thủ đô Bangkok và các tỉnh xung quanh, trong bối cảnh mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc mới.
Các nhà chức trách Thái Lan sẽ đình chỉ hoạt động hàng không và các hãng xe khách, ban bố lệnh giới nghiêm, đóng cửa trung tâm thương mại và giới hạn số người tụ tập cùng một lúc.