Ông Anucha nêu rõ RCEP sẽ giúp Thái Lan mở rộng thương mại với các thành viên khác, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị và việc làm cho các doanh nhân và công dân Thái Lan. Ông cho biết thêm, quan hệ đối tác cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch và nâng cao hiệu quả phát triển hệ sinh thái kinh tế.
Trích dẫn số liệu của Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, ông Anucha cho biết, trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang 9 quốc gia thành viên RCEP là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đạt 97,04 triệu USD, tăng 1,039% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu quan trọng bao gồm sắn lát, cá ngừ đóng hộp và bugi.
Quan chức trên khẳng định chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện và đưa ra lời khuyên về việc sử dụng các đặc quyền trong khuôn khổ RCEP để đảm bảo lợi ích tối đa cho các doanh nghiệp Thái Lan. Ông cũng bày tỏ tin tưởng những nỗ lực của chính phủ trong việc tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp hàng xuất khẩu của Thái Lan tiếp cận nhiều thị trường hơn.
RCEP được ký kết vào tháng 11/2020, hiện được thực thi đầy đủ ở 15 quốc gia thành viên chiếm hơn 30% dân số và Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Các thành viên RCEP gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.