Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phiên tòa diễn ra mà không có mặt ông Lee. Luật Hàn Quốc quy định bị cáo không nhất thiết phải có mặt tại phiên tòa trù bị được mở để thu thập chứng cứ và định ngày nghe nhân chứng đưa ra lời khai.
Ông Lee bị truy tố tội đưa hối lộ, biển thủ và một số tội danh khác liên quan đến vụ bê bối khiến Tổng thống Park Geun Hye bị đình chỉ mọi chức vụ. Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung hiện bị tạm giam tại Trung tâm Giam giữ Seoul.
"Loại chỉ thị mà ông Lee Jae Yong được cho là đã đưa ra hiện còn mơ hồ", luật sư Song Wu Cheol biện hộ cho 'thái tử Samsung" nói tại phiên tòa. "Cáo trạng không thể chứa các tuyên bố có thể tạo ra định kiến về vụ việc trước tòa".
Thay mặt ông Lee, luật sư của ông phủ nhận mọi cáo buộc. Luật sư của các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Samsung bị bắt cùng ông Lee cũng phủ nhận mọi cáo buộc nhằm vào thân chủ mình.
Tòa án dự kiến đưa ra quyết định vào ngày 10/3.
Hôm 28/2, ông Lee chính thức bị truy tố sau 10 ngày tạm giam để phục vụ điều tra. Theo quy định, tòa án phải ra phán quyết đầu tiên trong vòng 3 tháng. Trong thời gian này, ông Lee có thể yêu cầu được bảo lãnh.
Ông Lee là lãnh đạo đầu tiên của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc bị bắt trong một cuộc điều tra hình sự. Nếu ông bị kết tội, việc thừa kế tập đoàn của ông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo các điều tra viên, "thái tử Samsung" đã chi hoặc hứa chi 43 tỷ won (khoảng 38 triệu USD) để hối lộ bà Choi Soon Sil, "bạn thân pháp sư" của Tổng thống Park. Khoản tiền được cho là để đổi lấy sự ủng hộ của nữ tổng thống Hàn Quốc trong việc sáp nhập hai công ty con của Samsung, một bước đi quan trọng để ông Lee củng cố quyền lực tại tập đoàn.
Hồi tháng 1, cơ quan điều tra Hàn Quốc từng đề nghị bắt giữ ông Lee với các cáo buộc hối lộ, biển thủ và khai man và ông đã bị thẩm vấn trong hơn 22 giờ. Samsung và ông Lee phủ nhận các cáo buộc.