Thảm họa Grammy 2019: Cần cải tổ khi hàng loạt nghệ sĩ lớn tẩy chay

Taylor Swift, Ariana Grande, Drake, Kendrick Lamar và Childish Gambino - những nghệ sĩ thành công bậc nhất trong năm qua - hủy diễn tại Grammy là bề nổi của cuộc khủng hoảng.
Taylor Swift từng là con cưng của Grammy nhưng bất ngờ bị ruồng rẫy trong một năm mà cô có những đóng góp quan trọng cho âm nhạc thế giới. Ảnh: Pinterest.
Taylor Swift từng là con cưng của Grammy nhưng bất ngờ bị ruồng rẫy trong một năm mà cô có những đóng góp quan trọng cho âm nhạc thế giới. Ảnh: Pinterest.

Giải Grammy đáng ra phải là bữa tiệc lớn nhất của âm nhạc thế giới. Nhưng liên tiếp mấy năm gần đây, Grammy trở thành mục tiêu tấn công của giới phê bình, các nhà hoạt động xã hội và cả giới nghệ sĩ vì những vấn đề như giới tính, sắc tộc và quan trọng nhất là âm nhạc.

Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm khi một loạt nghệ sĩ nổi tiếng nhất, những người nhiều khả năng là chủ nhân các giải quan trọng, đồng loạt tẩy chay lễ trao giải. Grammy đang đánh mất uy tín nghiêm trọng?

Coi thường nữ giới, coi nhẹ người da màu

Lễ trao giải Grammy lần thứ 61, diễn ra vào ngày 10/2 theo giờ Los Angeles (Mỹ), tức sáng 11/2 theo giờ Việt Nam. Giải năm nay có lẽ sẽ tiếp nối quá trình đi xuống của Grammy khi các vấn đề bất bình đẳng tiếp tục gây bức xúc.

Năm ngoái, sau khi lễ trao giải kết thúc với duy nhất một nghệ sĩ chiến thắng hạng mục solo (Alessia Cara, hạng mục Nghệ sĩ mới của năm), chủ tịch của Grammy là Neil Portnow đã có một phát ngôn gây phẫn nộ dư luận. Khi đó ông nói rằng nữ giới nên "tiến lên" để nâng cao thành tích của mình.

Năm nay, Grammy đã nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách đưa vào hệ thống đề cử nhiều tác phẩm của nghệ sĩ nữ hơn. Nhưng sự vắng mặt đáng ngạc nhiên và có phần vô lý của Taylor Swift ở những hạng mục chính (có mỗi một đề cử Album pop xuất sắc) khiến dư luận bức xúc. Chính vì vậy, Swift tuyên bố không biểu diễn và cũng không dự lễ trao giải vì cảm thấy không được tôn trọng.

Ngay sau đó, Ariana Grande - nữ ca sĩ thành công nhất trong mấy tháng cuối năm - cũng tuyên bố không biểu diễn tại Grammy. Nhà sản xuất của Grammy nói rằng cô không đủ thời gian tập luyện và cảm thấy "bị xúc phạm" khi không được đồng ý cho biểu diễn hit mới nhất, 7 Rings.

Lập tức, Grande phản pháo dữ dội, cho rằng phía Grammy đã lấp liếm vấn đề. Lý do cô từ chối là nhà sản xuất và cô bất đồng trong việc lựa chọn ca khúc. Grande cho rằng phía Grammy can thiệp quá nhiều vào sự sáng tạo của nghệ sĩ và đó là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng.

Thảm họa Grammy 2019: Cần cải tổ khi hàng loạt nghệ sĩ lớn tẩy chay ảnh 1

Dàn nghệ sĩ có album được đề cử Album của năm: Cardi B, Brandi Carlile, Drake, H.E.R., Post Malone, Janelle Monáe, Kacey Musgraves và Kendrick Lamar. Ảnh: Reuters.

Chưa dừng tại đó, Grammy chịu thêm một đòn đau nữa khi bộ ba nghệ sĩ da màu Drake, Kendrick Lamar và Childish Gambino cũng từ chối biểu diễn và nhiều khả năng không dự lễ trao giải.

Ca khúc This Is America của bộ ba rapper lừng danh này được đề cử 4 giải năm nay, trong đó có Ghi âm và Bài hát của năm. Riêng Drake và Lamar còn được đề cử Album của năm.

5 cái tên nêu trên đều là những nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng nhất giới nhạc Mỹ hiện nay. Một lễ trao giải nhằm vinh danh những con người như vậy, nhưng chính họ lại không mặn mà, thì đúng là đang rơi vào thảm họa.

"Pulitzer đã đúng và Grammy đã sai"

Theo New York Times, một giải pháp mà năm nay đã thực hiện là tăng số đề cử ở 4 hạng mục chính lên thành 8 đề cử cho mỗi hạng mục thay vì 5 đề cử như hiện nay. Đó là các hạng mục Album, Ghi âm, Bài hát và Nghệ sĩ mới của năm.

Thay đổi này sẽ làm hài lòng giới phê bình khi có thêm nhiều cơ hội cho những nghệ sĩ nữ. Đồng thời, 8 đề cử cũng sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh ở mỗi hạng mục trở nên gay cấn hơn.

Nhưng sự chênh lệch vẫn xảy ra khi bảng đề cử năm nay rõ ràng là nghiêng về dòng nhạc rap, hip-hop. Chẳng hạn, ở Album của năm, các đại diện của rap là Drake, Kendrick Lamar, Cardi B và Post Malone (một phần) bên cạnh đó là dòng R&B của Janelle Monáe và H.E.R, rồi country và dân gian của Kacey Musgraves và Brandi Carlile.

Thảm họa Grammy 2019: Cần cải tổ khi hàng loạt nghệ sĩ lớn tẩy chay ảnh 2
Đến giải Pulitzer còn vinh danh Kendrick Lamar, thế mà Grammy lại cho anh thất bại cay đắng những 2 lần. Ảnh: Vanity Fair.

Nếu Drake hay Lamar đoạt giải, sẽ thật bẽ bàng khi giải thưởng quan trọng nhất của Grammy được trao vắng mặt chủ nhân của nó. Nhưng lý do cho sự quay lưng của 2 rapper này cũng là do nhiều năm nay, Grammy đã trao hy vọng cho các nghệ sĩ rap và R&B (như Drake, Kanye West, Jay-Z và Frank Ocean) chỉ để tước giải thưởng khỏi tay họ và không cho họ sự thừa nhận xứng đáng.

Bản thân Lamar đã 2 lần trượt giải Album của năm trong bối cảnh album của anh được giới phê bình đánh giá cao nhất bảng đề cử năm đó.

Cả 2 lần, thất bại của anh đều khiến công chúng phẫn nộ. Thật trớ trêu khi sau đó Lamar lại đoạt giải Pulitzer cho âm nhạc, một giải thưởng danh giá không kém và khó khăn gấp bội khi anh là nghệ sĩ hip-hop. "Pulitzer đã đúng và Grammy đã sai", Tony Carter, cựu giám đốc của Spotify, nhận xét về tình huống oái oăm này.

Ken Ehrlich, nhà sản xuất Grammy, thừa nhận: "Vẫn tồn tại một vấn đề ở thế giới hip-hop. Khi họ không mang về nhà giải thưởng cao quý nhất, thứ mà Grammy đại diện, họ cảm giác như mọi thứ mất ý nghĩa. Điều đó thật buồn".

Năm ngoái, ngoài thất bại của Lamar, giới hip-hop cũng bị một phen choáng váng khi "ông hoàng nhạc rap" Jay-Z, nghệ sĩ được đề cử nhiều nhất với 8 đề cử trong đó có 3 hạng mục chính, lại ra về trắng tay.

Nỗ lực cải tổ để cải thiện bất bình đẳng

Năm 2018, Grammy thêm một "phốt" coi thường nữ giới nặng nề khi Lorde, nữ nghệ sĩ duy nhất có mặt trong đề cử Album của năm, lại không được mời biểu diễn solo. Và sau phát ngôn coi thường nữ giới một cách lộ liễu đã nhắc đến ở trên, Chủ tịch Neil Portnow bị kêu gọi từ chức.

Liền đó, Grammy cũng giải quyết khủng hoảng bằng cách thành lập một nhóm đặc nhiệm, đứng đầu là Tina Tchen (cựu nhân viên của bà Michelle Obama), để "nhận diện những rào cản khác nhau và những thành kiến vô thức" mà Grammy và ngành công nghiệp âm nhạc đang mắc phải.

Thảm họa Grammy 2019: Cần cải tổ khi hàng loạt nghệ sĩ lớn tẩy chay ảnh 3

Grammy năm ngoái, khán giả bức xúc thay cho Lorde khi cô là nghệ sĩ nữ duy nhất được đề cử Album của năm nhưng lại không được biểu diễn solo. Ảnh: Getty Images.

Đầu tiên, hội đồng giám khảo Grammy được đổi mới, phải đa dạng hơn về nền tảng. Hội đồng mời thêm 900 thành viên mới, trong đó có 22% kịp trở thành thành viên để bầu chọn cho năm nay.

Tuần trước, nhóm đặc nhiệm cũng thách thức ngành công nghiệp âm nhạc trong việc phải có thêm các nhà sản xuất và kỹ sư âm thanh là nữ giới. Hiện tại, 2 nghề này đang bị nam giới áp đảo.

Mặc dù vậy, nhóm đặc nhiệm vẫn còn rất nhiều việc để làm vì bảng đề cử năm nay cho thấy vấn đề vẫn còn nghiêm trọng. 8 bài hát đề Ghi âm của năm có tổng cộng 48 nhà sản xuất nhưng chỉ có 2 người là nữ. Một trong số đó là Lady Gaga, khi cô sản xuất ca khúc song ca với Bradley Cooper, Shallow.

Một sự nhìn nhận quá ít ỏi cho những gì nữ giới đã cống hiến cho âm nhạc. Không chỉ ở Grammy, tại bảng xếp hạng Billboard Hot 100 cuối năm, thì trong 7 năm qua có 633 ca khúc được vinh danh nhưng chỉ 17,1% số nghệ sĩ là nữ.

"Nữ giới vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về vị thế trong âm nhạc", Stacy L. Smith, nhà sáng lập U.S.C nơi thực hiện nghiên cứu trên, nhận định.

Theo Zing
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).