Giữa những lời trách cứ và đổ lỗi theo kiểu khẩu chiến chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây xung quanh thảm kịch máy bay MH17, ngày 21/7, Ngoại trưởng Hà Lan đã có bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ khiến toàn bộ đại biểu lặng người.
Ngoại trưởng Hà Lan phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ. |
Ngừng lại nhiều lần để kiềm chế cảm xúc, ông Frans Timmermans nói tại khán phòng về cú sốc khi ông chứng kiến cảnh người ta đối đãi với các thi thể nạn nhân, kiểu đưa tin xâu xé của truyền thông và sự rối ren chi tiết vụ thảm nạn.
"Chúng ta ở đây để nói về một thảm kịch, về việc một máy bay dân sự bị bắn hạ và cái chết của 298 người vô tội", ông nói. "Phụ nữ, nam giới và rất nhiều trẻ em đã mất đi cuộc sống khi họ đang trên đường tới các nơi nghỉ dưỡng, trở về nhà, về với người thân yêu hay thực hiện những bổn phận quốc tế, như hội nghị HIV/AIDS rất quan trọng tại Australia.
"Từ thứ năm tuần trước, tôi đã nghĩ, nghĩ không dứt về sự khủng khiếp tới mức nào, về khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời của họ, khi họ biết máy bay đang lao xuống đất. Họ có được nắm tay những người thân yêu, họ có được ôm con trẻ thật chặt trong lòng?", giọng Ngoại trưởng Hà Lan chùng xuống. "Liệu họ có được trao gửi ánh mắt yêu thương vào thời khắc cuối, hay đơn giản nói một lời từ biệt? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được.
Sự ra đi của gần 200 đồng bào để lại vết thương lớn trong trái tim của dân tộc Hà Lan, gây ra nỗi đau, sự giận dữ và tuyệt vọng. Nỗi đau vì mất người thân yêu, giận dữ vì việc bắn hạ máy bay dân sự và tuyệt vọng, là sau khi chứng kiến quá trình chậm chạp đến đau đớn của việc bảo vệ hiện trường cũng như tìm kiếm thu thập thi thể các nạn nhân".
Một đoàn tàu mang 282 thi thể nạn nhân đã tới thành phố Kharkiv của Ukraina sau khi quân nổi dậy cuối cùng đã nhất trí chuyển giao các thi thể nạn nhân. "Việc đối xử tôn trọng và trao trả các thi thể nạn nhân không chậm trễ là vấn đề nhân đạo", ông Timmermans nói.
"Trong ít ngày qua, chúng tôi đã nhận được các thông tin hỗn loạn về những thi thể bị di chuyển, tài sản của họ bị đánh cắp. Chỉ trong một phút, tôi muốn nói rằng, tôi phát biểu ở đây không phải với tư cách đại diện của một quốc gia, mà với vị trí của người chồng, người vợ, người cha, người mẹ. Thử hình dung đầu tiên bạn nghe tin chồng mình thiệt mạng, rồi hai ba ngày sau bạn thấy hình ảnh ai đó lấy chiếc nhẫn cưới từ tay ông ấy.
"Cho tới lúc chết, tôi vẫn sẽ không hiểu tại sao các nhân viên cứu hộ lại phải mất thời gian lâu đến thế mới được phép thực hiện công việc khó khăn của mình. Vì các thi thể bị lợi dụng cho một trò chơi chính trị chăng? Nếu ai đó nói về trò chơi chính trị, thì đây, nó là trò chơi ấy, trò chơi với xác người và thật đáng khinh.
"Tôi hy vọng thế giới sẽ không phải chứng kiến những cảnh này lần nữa. Những hình ảnh đồ chơi của trẻ em bị quăng quật, hành lý bị mở tung, và các tấm hộ chiếu, hộ chiếu của trẻ em bị đưa lên truyền hình. Họ đang biến lòng thương đau của chúng tôi thành nỗi tức giận của một quốc gia. Chúng tôi yêu cầu được tiếp cận không hạn chế với hiện trường vụ máy bay rơi, chúng tôi yêu cầu được đối xử một cách tôn trọng, với các nạn nhân và người thân của họ. Họ xứng đáng được trở về nhà", Ngoại trưởng Hà Lan thúc giục.
Và, với số phiếu thuận 15/15, chiều 21/7 (sáng 22/7 theo giờ Hà Nội), Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết do Australia soạn thảo và được Việt Nam cùng các quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay MH17 đồng bảo trợ, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động quân sự tại khu vực máy bay rơi để phục vụ điều tra.
Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, nghị quyết đã lên án vụ tai nạn máy bay Malaysia rơi tại Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập, toàn diện về vụ việc trên, trong đó Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sẽ đóng vai trò chủ chốt. Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu các nhóm vũ trang đang kiểm soát khu vực máy bay rơi và khu vực xung quanh ngừng ngay lập tức các hoạt động làm xáo trộn hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra.