Gã khổng lồ ngành phát trực tuyến đã "bỏ túi" thêm 9,3 triệu tài khoản mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020, tăng 65% so với năm 2019. Doanh thu của Netflix tại khu vực này tăng gần 62%, so với 40% ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Động lực đó đã khuyến khích Netflix tập trung nhiều "hỏa lực" hơn sang châu Á. Công ty này đã lên kế hoạch tăng gần gấp đôi ngân sách cho việc sản xuất nội dung gốc trong khu vực trong năm 2021 với hy vọng thu hút thêm nhiều khách hàng mới ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Giám đốc phụ trách sản phẩm Greg Peters cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và vô cùng hào hứng trước tiềm năng ở châu Á. Có hàng trăm triệu người mà chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm tòi và kết nối".
Thư viện nội dung gốc khổng lồ
Netflix đã tiến vào châu Á-Thái Bình Dương cách đây 5 năm bằng cách ra mắt tại Nhật Bản. Ông Greg Peters cho biết vào thời điểm đó, công ty có trụ sở tại California này thực chất là "một công ty khởi nghiệp" trong khu vực, đồng thời nói thêm rằng họ không có nhân viên địa phương hoặc thậm chí không có văn phòng.
Mọi thứ đã thay đổi. Ba năm trước, CEO Reed Hastings dự đoán rằng "100 triệu người dùng tiếp theo" của Netlfix sẽ đến từ Ấn Độ và số giờ xem tại thị trường này cũng đã gia tăng đột biến.
Netflix đã chi khoảng 2 tỷ USD từ năm 2018 đến năm 2020 để cấp phép hoặc sản xuất nội dung ở châu Á và hiện đã tích lũy được một thư viện gồm hơn 200 phim và chương trình truyền hình. Công ty cũng sử dụng khoảng 600 nhân viên trên khắp khu vực và lập trụ sở tại Singapore.
Công thức chiến thắng của Netflix một phần dựa vào việc quảng bá các bộ phim ăn khách của phương Tây và chuyển thể các nội dung gốc sang phiên bản châu Á. Vào tháng 12 năm ngoái, Netflix đã công bố phiên bản Hàn Quốc của loạt phim nói tiếng Tây Ban Nha "Money Heist".
"Kingdom" là loạt phim gốc tiêu biểu của Netflix tại thị trường châu Á. |
Nhưng giới lãnh đạo Netflix nhận thấy rằng khán giả châu Á không chỉ muốn xem các chương trình chuyển thể từ các chương trình phương Tây.
Khi gia nhập Netflix vào năm 2016 với tư cách là giám đốc điều hành nội dung đầu tiên tại châu Á, Kim Min-young hiểu rằng nội dung địa phương sẽ là một yếu tố thực sự quan trọng để Netflix bám rễ được ở lục địa "tỷ dân".
Bằng cách đặt niềm tin vào đội ngũ sản xuất địa phương, Netflix đã sở hữu nhiều tác phẩm xuất xứ châu Á nhưng có sức hút ngang ngửa các bộ phim phương Tây như "Alice in Borderland" của Nhật Bản, "Kingdom" của Hàn Quốc hay "Indian Matchmaking" của Ấn Độ.
Có hai yếu tố khác cũng đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của Netflix ở châu Á. Năm ngoái, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã thống trị danh sách top 10 nội dung phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Lượng người xem các nội dung Hàn Quốc đã tăng gấp 4 lần vào năm ngoái so với năm 2019. Ngoài phim bộ Hàn Quốc, các tác phẩm anime (phim hoạt hình Nhật Bản) cũng thu hút lượng người xem gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Để thu hút được khán giả châu Á, Netflix sẽ phải mở rộng số lượng ngôn ngữ phụ đề. Nền tảng này hiện có sẵn 35 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Hindi, tiếng Trung, tiếng Việt và tiếng Malay,...
Công ty cũng đã tiết lộ một kế hoạch chỉ dành cho điện thoại di động để phục vụ khán giả châu Á. Mô hình này đã được thử nghiệm tại Ấn Độ vào năm 2019 và kể từ đó đã mở rộng tới Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Rào cản khi vươn ra toàn cầu
Khi sự cạnh tranh tiếp tục nóng lên, nhu cầu về nội dung mới càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong những năm gần đây, Netflix đã liên tục phải đối mặt với các đối thủ mới nổi như
Prime Video (Amazon), HBO Max (WarnerMedia), Apple TV+ (Apple) và Disney + (Walt Disney).
Để giữ chân khách hàng, Netflix không ngừng tích trữ các sản phẩm địa phương vào kho nội dung gốc của mình.
Trong một lá thư gửi cho các cổ đông vào tháng trước, công ty đã thừa nhận điều đó, nói rằng Netflix đã mong đợi sự cạnh tranh nhiều hơn trong nhiều năm. "Đây là một phần lý do tại sao chúng tôi đã nhanh chóng phát triển và củng cố hơn nữa thư viện nội dung gốc của mình với nhiều thể loại và quốc gia".
Công ty này còn đặt tham vọng sẽ cho ra mắt một nội dung gốc vào mỗi tuần. Ngoài ra, Netflix đã phải đối mặt với những vấn đề đau đầu về chính trị.
Vào năm 2019, nền tảng này đã buộc phải chặn một tập của chương trình hài kịch "Patriot Act" tại thị trường Arab Saidi do xuất hiện nội dung chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman.
Tháng 11 năm ngoái, Netflix đã trở thành chủ đề của làn sóng tẩy chay tại Ấn Độ sau khi loạt phim "A Suitable Boy" có cảnh hôn giữa một nhân vật theo đạo Hồi và một người theo đạo Hindu. |
Khi được hỏi cách công ty đối phó với các yêu cầu kiểm duyệt, ông Greg Peters cam kết sẽ hỗ trợ sự "tự do sáng tạo."
"Chúng tôi không tìm cách làm tổn hại hoặc xúc phạm bất kỳ nhóm người nào, nhưng chúng tôi đang làm việc với nhiều nhóm người sáng tạo khác nhau. Và mỗi nhóm có những quan điểm khác nhau", ông Peters chỉ ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một thị trường châu Á khổng lồ mà Netflix chưa thể thâm nhập: Trung Quốc đại lục. Những nỗ lực thâm nhập vào thị trường "tỷ dân" của Netflix trong quá khứ đều thất bại.
Vào năm 2016, công ty nói với các cổ đông rằng "môi trường pháp lý" tại Trung Quốc đã trở thành một vấn đề, mặc dù cuối cùng họ vẫn hy vọng sẽ ra mắt được nền tảng ở nước này. Năm sau, Netflix bắt tay vào quan hệ đối tác với iQiyi, một công ty phát trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc.
Dù vậy, CEO iQiyi Gong Yu sau đó cho biết hai bên đã chấm dứt hợp tác do hiệu quả không như kỳ vọng.
"Chúng tôi không có kế hoạch quay trở lại Trung Quốc trong tương lai gần", ông Peters nói. "Chúng tôi đang nhìn vào cơ hội bên ngoài Trung Quốc."
Tuy nhiên, ngay cả khi tính đến sự thành công của công ty ở những nơi khác ở châu Á, Greg Peters cho biết Netflix sẽ không thể tự mãn.
"Chưa có gì khiến tôi cảm thấy hài lòng. Chúng tôi phải không ngừng cải thiện", ông Peters nói. "Chúng tôi kết nối với rất nhiều người trên khắp thế giới. Nhưng không phải tất cả mọi người. Vì vậy, chúng tôi còn nhiều việc phải làm".