Đây là một hoạt động lớn, thường niên của tỉnh Thanh Hóa nhằm tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào Thanh Hóa. Về dự sự kiện này có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương.
Sẵn sàng đồng hành
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC cho biết, với FLC, Thanh Hóa là một vùng đất có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi đây là nơi đã ghi dấu những bước phát triển quan trọng của FLC trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.
Từ một vùng bờ biển gần 4 km phần lớn là đầm lầy và còn rất hoang sơ, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn đã được khánh thành và đưa vào hoạt động chỉ sau 11 tháng thi công 3 ca liên tục. Nối liền với quần thể FLC Sầm Sơn, không gian du lịch ven biển đường Hồ Xuân Hương đã được Tập đoàn đầu tư đồng bộ với tuyến đường và các không gian chức năng đươc mở rộng, văn minh, hiện đại.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC |
“Chúng tôi rất vui mừng và tự hào, bởi sự hiện diện của các công trình mang thương hiệu FLC đã để lại dấu ấn tích cực trong quá trình thay đổi diện mạo du lịch cũng như cách làm du lịch của thành phố Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung”, bà Kiều Dung cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực của FLC, chính sự thành công của các dự án này đã trở thành động lực quan trọng để Tập đoàn FLC tiếp tục gắn bó lâu dài và mở rộng đầu tư trên nhiều lĩnh vực tại tỉnh Thanh Hóa như hàng không, khai khoáng… bên cạnh lĩnh vực đầu tư hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng.
Với gần 20 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý có tổng vốn hàng tỷ USD, hiện FLC đang là một trong những nhà đầu tư chiến lược hàng đầu tại Thanh Hoá.
Một trong số các dự án đáng chú ý là Khu phức hợp dịch vụ hàng không, đô thị du lịch nghỉ dưỡng, công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân với quy mô đầu tư hơn 2.000ha. Mục tiêu của dự án là phát triển một khu phức hợp đa chức năng quy mô lớn, đồng bộ; đồng thời, phát triển một trung tâm dịch vụ hàng không phụ trợ trong nước và khu vực, bao gồm trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, các công ty cung cấp dịch vụ mặt đất và các dịch vụ phụ trợ khác. Qua đó, góp phần đưa cảng hàng không Thọ Xuân trở thành một trung tâm cảng hàng không lớn của Việt Nam.
“Đón đại bàng về xây tổ”
Nhận định về môi trường đầu tư của Thanh Hoá, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong tốc độ phát triển doanh nghiệp, chỉ số PCI tăng trưởng bền vững trong thời gian qua. Đây là nguyên nhân giúp Thanh Hoá khởi động thành công sau dịch, thu hút đầu tư đến 34 dự án với tổng vốn dự kiến lên tới 15 tỉ USD.
Đây là con số rất lớn, vì thế thách thức để giải ngân là rất khó khăn, nhưng Thanh Hóa hoàn toàn có thể thực hiện dựa trên hai nguồn lực là con người và đất đai rộng lớn.
“Muốn doanh nghiệp đầu tư thì Thanh Hóa cần phải tiếp tục đầu tư trung tâm hành chính công. Từ đó tập trung xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân vào một đầu mối, tránh rườm rà, tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư an tâm đầu tư hiệu quả”, ông Lộc nhận định.
Dự và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư hiệu quả trên địa bàn tỉnh với nhiều dự án lớn, trọng điểm như Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Quần thể khu du lịch – nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Khu đô thị trung tâm thành phố Thanh Hóa…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại sự kiện |
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư cho chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần sẵn sàng cho nguồn vốn hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin liên lạc, nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc theo tinh thần “đón đại bàng về xây tổ ấm”. Theo đó, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất từ quá trình tìm hiểu lập dự án đến quá trình sản xuất kinh doanh.
“Do vậy, sự kiện ngày hôm nay mang ý nghĩa hết sức quan trọng có sức ảnh hưởng lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần nguồn lực rất lớn và tinh thần doanh nhân vượt qua thử thách để phát triển”, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Tại sự kiện, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng thường trực, 34 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư vào Thanh Hoá, với tổng vốn tương đương 15 tỉ USD.
Trong đó Tập đoàn FLC ký biên bản ghi nhớ đầu tư đối với dự án Khu phức hợp dịch vụ hàng không, đô thị du lịch nghỉ dưỡng, công nghệ cao tại huyện Thọ Xuân; đồng thời công ty thành viên của Tập đoàn FLC là hãng hàng không Bamboo Airways cũng ký kết hợp tác mở đường bay Thanh Hoá – Phú Quốc, Thanh Hoá – Quy Nhơn. Dự kiến hai đường bay này sẽ được vận hành từ 1/7/2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu di chuyển ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ký kết giữa Tập đoàn FLC và Thanh Hoá tại Hội nghị |