Theo đó, đối với 52 khu vực mỏ đá đã quy hoạch, chưa cấp phép và xác định có toàn bộ diện tích hoặc một phần diện tích chồng lấn với diện tích được quy hoạch cho nhiệm vụ quốc phòng, ảnh hưởng đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến văn hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất loại bỏ 39 khu vực mỏ có toàn bộ diện tích bị chồng lấn; giảm trừ diện tích bị chồng lấn của 13 khu mỏ được quy hoạch.
Đối với 62 khu vực mỏ đá khác đã quy hoạch nhưng chưa cấp phép do có xen kẹp một phần diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ hoặc ảnh hưởng một phần đến quốc phòng an ninh nên chưa có điều kiện để xem xét loại trừ.
Các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát từng khu vực mỏ đá cụ thể để xác định được diện tích mỏ đá đủ điều kiện hoạt động khoáng sản để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất với đề nghị của Sở Xây dựng về việc không thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định số 572 (ngày 23/2/2017) của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát có 206 mỏ đá để loại bỏ các khu vực mỏ có rừng tự nhiên, khu vực khoanh định bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, khu vực ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh./.