Từ năm 2002 đến 2018, số sinh viên Mỹ kiêng uống rượu, bia đã tăng từ 20% lên 28%. Đối với những người không đi học, tỷ lệ này là 30%, tăng từ 24% vào năm 2002. Tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn ở cả hai nhóm này đều giảm khoảng một nửa, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Ma túy, Rượu, Hút thuốc và Sức khỏe tại Đại học Michigan
Không chỉ những người Mỹ trẻ uống ít rượu hơn. Các hành vi rủi ro như uống rượu say ít phổ biến hơn ở Vương quốc Anh so với trước đây.
Các nhà nghiên cứu vào năm 2015 cũng phát hiện ra rằng 29% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi ở Anh không uống rượu, bia, tăng từ 18% vào năm 2005, trong khi tỷ lệ uống rượu, bia - được định nghĩa là uống gấp đôi giới hạn khuyến nghị hàng ngày, giảm từ 27% xuống 18%.
Lạm dụng các chất gây nghiện
Xu hướng đáng báo động nhất mà nghiên cứu xác định là ngày càng có nhiều thanh niên sử dụng hoặc lạm dụng một số chất cấm khác nhau, trái ngược với chỉ cần sa hoặc rượu, bia như thế hệ trước đây.
Ty Schepis, giáo sư tâm lý học tại bang Texas cho biết: “Điểm đáng lo ngại hơn là sự gia tăng đồng thời sử dụng rượu và cần sa, vì chúng ta biết rằng việc sử dụng nhiều chất gây nghiện có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực hơn và khó điều trị hơn."
Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng cần sa đã tăng từ 27% lên 31% ở sinh viên đại học từ năm 2002 đến năm 2018 và 26% lên 30% ở những người không học đại học.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải "tìm cách giải quyết các hành vi sử dụng chất kích thích mới bằng cách cung cấp hỗ trợ cho số lượng thanh niên kiêng rượu, bia ngày càng tăng, đồng thời tạo ra các biện pháp can thiệp để giải quyết thói quen lạm dụng cần sa và đồng lạm dụng rượu cùng cần sa."