Vào thời điểm này, nước Nga đang bước vào một giai đoạn lịch sử đặc biệt, với nhiều khó khăn của thời kỳ hậu Xô Viết. Bằng tầm nhìn của một nhà cải cách và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo cứng rắn, Tổng thống Vladimir Putin đã tận dụng và phát huy nội lực, ý chí tự cường, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và trở lại vị trí của một cường quốc trên thế giới.
Có thể nhận thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin, bắt đầu từ năm 1999, đã theo đuổi hai mục tiêu chính: giữ gìn sự thống nhất của Nga và khôi phục vị thế là một cường quốc trên trường thế giới. Ông đã thành công trong vấn đề này. Quyền lực tối cao của chính quyền trung ương đã được khẳng định trên toàn Liên bang Nga. Ý chí chính trị của Tổng thống thông qua ngành dọc quyền lực đảm bảo sự thống nhất của chính trị.
Theo các chuyên gia, trong 20 năm qua, Nga đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển thế giới đa cực. Nga không còn định hướng chỉ theo một hướng, hướng tới châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc. Nga chủ động tương tác với tất cả các láng giềng lớn của mình và chỉ định hướng bởi những lợi ích quốc gia của chính mình. Dựa trên những tính toán này, Tổng thống Vladimir Putin trong những năm 2000 đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết triệt để vấn đề biên giới với Trung Quốc và thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ và mang tính xây dựng với Bắc Kinh.
Dưới thời của ông, sự hình thành chính sách châu Á của Nga bắt đầu. Cùng với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Nga đã tìm cách phát triển quan hệ với Ấn Độ như một cường quốc châu Á có thể so sánh với Trung Quốc và là đối tác chiến lược truyền thống của Nga; với Nhật Bản và Hàn Quốc - làm nguồn lực cho đầu tư và nhập khẩu công nghệ; với các nước ASEAN là một thị trường lớn và đang phát triển.
Hội nhập kinh tế thời hậu Xô viết, được kích hoạt từ năm 2009 trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), đã có được điểm nhấn Trung Á. Quan hệ song phương và các định dạng đa phương - đặc biệt, trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS và RIC (Nga - Ấn Độ - Trung Quốc) - đã tạo ra các điều kiện, theo đó Nga có thể duy trì trạng thái cân bằng với các nước mạnh hơn hoặc các nước tiên tiến hơn và bảo vệ lợi ích của mình ít nhiều có hiệu quả.
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền lãnh đạo đất nước, tình hình ở Bắc Kavkaz đã ổn định, Crưm đã quay trở lại Nga, sự suy thoái của những năm 1990 đã nhường chỗ cho tăng trưởng ổn định. Trong giai đoạn đầu nắm quyền, ông đã phát động cuộc chiến nhằm vào các nhà tài phiệt chi phối nước Nga, chỉ biết làm lợi cho bản thân.
Việc quốc hữu hóa một phần lớn của ngành công nghiệp dầu mỏ vào giữa những năm 2000 đã đặt nền tảng cho một chính sách năng lượng phối hợp. Ông đã vực dậy nền kinh tế Nga, từ chỗ suy thoái nhiều năm liền chuyển sang tăng trưởng. Bất chấp nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây, nhà lãnh đạo Nga vẫn đưa đất nước đạt đến những đỉnh cao mới, chế tạo thành công những vũ khiến chiến lược chưa từng có từ trước đến nay trên thế giới.
Ngoài việc xuất khẩu tài nguyên năng lượng, vũ khí, công nghệ, năng lượng hạt nhân, thực phẩm, Nga còn là một đấu thủ quân sự và ngoại giao. Nga có mặt không chỉ ở Châu Âu, Châu Á. Giá trị của Nga đã tăng không chỉ ở Trung Đông, mà còn ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh qua việc hợp tác toàn diện về quân sự, kinh tế, văn hóa, trợ giúp nhân đạo.
Sự thành công của Tổng thống Putin còn gắn liền với việc khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Ông lên nắm quyền vào cuối những năm 1990, khi nước Nga trải qua một thập kỷ đầy biến động, với việc Liên Xô sụp đổ, khiến cho nhiều người dân cảm thấy họ mất đi bản sắc dân tộc.
Ông đã làm trỗi dậy tinh thần trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô và hướng nó vào cuộc đối trọng với những kẻ thù luôn tìm cách phá hoại, hủy hoại nước Nga. Ông đã đưa những giá trị tinh thần của dân tộc Nga - dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào - vào truyền thống văn hóa dân tộc Nga và lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Hiện nhà lãnh đạo Nga vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao thu nhập thực tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, môi trường sinh thái...Và ông vẫn còn 5 năm trong nhiệm kỳ, đến năm 2024 để hoàn thành những lời hứa của mình với người dân.
Ngày nay, đa số người dân Nga vẫn coi Tổng thống Vladimir Putin là người vực dậy đất nước sau sự sụp đổ của Liên Xô và là người bảo đảm cho sự ổn định của nước Nga sau này.