Phân tích toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về rác thải y tế trong đại dịch COVID-19 ước tính, từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021, phần lớn trong số 87.000 thiết bị bảo hộ cá nhân được dùng trên thế giới đã trở thành rác thải. Báo cáo nhấn mạnh rằng, đó mới chỉ là con số ban đầu, bởi họ chưa tính đến những loại chất thải khác, ví dụ như khẩu trang dùng 1 lần.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, 140 triệu bộ kit test nhanh (tương đương 2.600 tấn nhựa) và 731.000 lít chất thải hóa học (tương đương một phần ba bể bơi Olympic) đã được thải ra. Ngoài ra, hơn 8 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu cũng tạo thêm 143 tấn chất thải dưới dạng ống tiêm, kim tiêm và hộp vận chuyển.
WHO giải thích, do Liên Hợp Quốc (UN) và các nước trên thế giới đang ưu tiên đảm bảo nguồn cung thiết bị bảo hộ và vaccine trước, nên họ ít chú ý tới việc xử lý chất thải y tế.
"Việc đảm bảo các dụng cụ y tế qua sử dụng không gây ô nhiễm môi trường cũng rất quan trọng," Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO cho biết. Điều này có nghĩa là các nước cần phải có hệ thống quản lý rác thải y tế hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhân viên y tế cần được hướng dẫn về cách thu gom, xử lý rác thải y tế.
Rác thải y tế tại Đà Nẵng đang được xử lý ở bãi rác Khánh Sơn. (Ảnh: SCTV) |
Theo WHO, hiện nay, 30% cơ sở y tế trên thế giới (60% ở các nước kém phát triển nhất) không có hệ thống xử lý rác thải y tế đạt yêu cầu. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, và khiến đất, không khí & nguồn nước bị ô nhiễm bởi hoạt động chôn lấp hoặc đốt rác thải y tế.
"COVID-19 đã khiến chúng ta phải xem xét lại những thiếu sót trong hệ thống xử lý rác thải y tế của mình. Quản lý chất thải y tế tốt là yêu cầu tối thiểu của một hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh - điều mà nhiều nước đã cam kết thực hiện tại tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc gần đây" Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Môi trường & Khí hậu của WHO nói.
Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị để quản lý rác thải y tế hiệu quả hơn: sử dụng bao bì thân thiện với môi trường (có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học) để vận chuyển, sử dụng lò hấp thay vì lò đốt để xử lý rác, đầu tư nhiều hơn vào công nghệ tái chế rác thải.
"Ngày càng có nhiều người cho rằng ngành y tế phải xem xét các tác động tới môi trường," Tiến sĩ Anne Woolridge, chuyên gia về quản lý chất thải y tế tại Hiệp hội Chất thải Rắn Quốc tế (ISWA) cho biết, "sử dụng hợp lý và an toàn dụng cụ y tế không chỉ giúp giảm bớt ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tiết kiệm tiền, giảm tình trạng khan hiếm nguồn cung."