Điều đầu tiên Musar Abid, 41 tuổi, làm khi thoát khỏi sự kìm kẹp của Nhà nước Hồi giáo (IS) là chộp lấy dao cạo râu. "Tôi đã cạo râu sáng nay. Tôi lại trông giống như một gã trai trẻ rồi", ông nói và cười vui vẻ khi chỉ tay vào má. Đây là lần đầu tiên nó được cạo nhẵn kể từ lúc những kẻ chấp pháp của IS tại Mosul cách đây hai năm yêu cầu đàn ông phải để râu, theo New York Times.
Abid rất phấn chấn khi thấy những cảnh sát liên bang Iraq tham gia cuộc tấn công giải phóng Mosul khỏi tay IS tiến đến ngôi làng của ông. Đối với Abid, trốn thoát khỏi IS là chuyện cấp bách. Abid cho biết ông đã thông báo cho cảnh sát Iraq về các điều kiện ở Mosul. "Tất cả thế giới đều biết cuộc sống dưới sự cai trị của IS ra sao", ông nói.
Tuy nhiên, hơn một triệu người khác hiện vẫn mắc kẹt trong thành phố. Họ đang phải đối mặt với các mối nguy hiểm ngày càng tăng khi cân nhắc quyết định lánh nạn hay ở lại.
Bế tắc
Người dân trở về ngôi làng của họ ở phía nam Mosul hôm 21/10 sau khi nó được giải phóng. Ảnh: Reuters |
Những nhóm cứu trợ và các cơ quan quốc tế đang chạy đua để chuẩn bị cho khả năng những cuộc bỏ trốn lẻ tẻ khỏi Mosul, như trường hợp của Abid, sẽ nhanh chóng biến thành một làn sóng tháo chạy ồ ạt.
Các nhân viên cứu trợ lo ngại khi chiến sự lan sâu vào trung tâm đô thị, hàng trăm nghìn người sẽ phải di chuyển chỗ ở. Nhiều người dân đang tích trữ mặt nạ chống độc đề phòng trường hợp IS tấn công bằng vũ khí hóa học. Dù người dân cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể thoát khỏi IS, mối hiểm nguy đối với việc chạy trốn như vậy vẫn rất lớn.
Chính phủ Iraq đang rải hàng loạt tờ rơi, yêu cầu người dân ở yên trong nhà và kêu gọi thanh niên nổi dậy chống lại phiến quân IS khi các lực lượng an ninh Iraq áp sát Mosul.
Đến hôm 21/10, khi chiến sự mới chỉ lan đến các vùng ngoại ô Mosul, phần lớn người dân ở đây dường như vẫn cố ẩn nấp tại chỗ, một số quan chức Mỹ cho biết. Tình hình này, nếu được duy trì, sẽ giúp giảm áp lực về đồ tiếp tế và chỗ ở đối với các trại cứu trợ bên ngoài thành phố.
Tuy nhiên, bình luận viên Tim Arango từ New York Times nhận định thế bế tắc của người dân Mosul sẽ trầm trọng thêm khi chiến sự ngày càng ác liệt. Nếu chọn ở lại, họ đối mặt với nguy cơ toàn bộ gia đình bị kẹt giữa bom đạn hoặc bị IS bắt làm con tin. Nếu quyết định ra đi, họ có thể bị giết hại vì các vụ bắn tỉa hoặc bom cài ven đường rồi sau đấy là cuộc sống ảm đạm trong những khu trại dành cho người mất nhà cửa.
Các gia đình ở Mosul và nhân viên cứu trợ lo ngại phiến quân IS sẽ dùng người dân làm lá chắn sống như chúng từng làm trong cuộc chiến cố thủ thành phố Fallujah, nơi bị quân chính phủ tái chiếm hồi tháng 6.
Hôm 21/10, Liên Hợp Quốc cho hay IS đang cầm giữ khoảng 550 gia đình để làm lá chắn sống gần Mosul. Đến nay, có 5.640 người đã mất nhà cửa trong những ngày đầu tiên của chiến dịch giải phóng thành phố. Nhiều người đến từ các làng mạc phía nam Mosul, khu vực đang bị quân đội Iraq và lực lượng cảnh sát liên bang dồn ép từ một căn cứ quân sự ở Qaiyara.
Để tiếp cận nơi này, phóng viên New York Times đã lái xe từ thành phố Erbil, thủ phủ của người Kurd tại Iraq, chạy men theo các con đường bị bom đạn xới tung. Phía chân trời là khung cảnh nham nhở, khô cằn, với các cột khói đen cuộn lên từ những giếng dầu mà IS đốt cháy nhằm tạo ra bức màn che phủ, gây cản trở không kích. Những chốt kiểm soát nằm dọc theo các con đường treo cờ của lực lượng vũ trang người Kurd và quân đội Iraq.
Tại căn cứ quân sự Qaiyara, một nhóm cảnh sát liên bang chụp lấy súng trường rồi lái chiếc xe tải nhỏ chở phóng viên đi thăm các ngôi làng. Khi xe chạy qua các thị trấn phủ bụi, trẻ em vẫy tay hò reo và cảnh sát quăng cho chúng những chai nước uống.
Xe đang đi thì gặp bão cát nên phải tạt vào một điểm dừng chân. Tại đây, một người đàn ông lớn tuổi tên Hussein Ali Abdella cho hay ông không biết khi nào mới có thể trở về nhà vì bất đồng bộ tộc đang xảy ra giữa các nhóm ủng hộ và phản đối IS.
Theo Othman Falah, 15 tuổi, tất cả con trai của người đàn ông mà nhóm vừa nói chuyện đều về phe IS.
Cuộc trò chuyện trên chỉ là một dấu hiệu nhỏ cho thấy những thách thức đối với tiến trình hòa giải ở Iraq, thậm chí cả khi IS bị đánh bật khỏi Mosul.
Đứng lên chống IS
Lực lượng chống khủng bố của chính phủ Iraq treo cờ sau khi tái chiếm thị trấn Bartella ở ngoại ô Mosul hôm 21/10. Ảnh: AP |
Khi các lực lượng Iraq áp sát Mosul hồi tuần trước, bước tiến công của họ bị chậm lại vì vấp phải các vụ đánh bom liều chết và bẫy bom cài ven đường. Những nhà ngoại giao phương Tây và các lãnh đạo nước ngoài cảnh báo chiến dịch tái chiếm Mosul có thể sẽ rất đẫm máu và kéo dài, thậm chí đến tận năm sau.
Song nhiều người dân tại Mosul và các khu vực lân cận lại dự đoán một viễn cảnh khác: dân chúng sẽ tỉnh mộng trước sự cai trị tàn ác của IS đến mức một số người sẽ đứng lên chống lại chúng.
"Hãy tin tôi, nếu quân đội Iraq tấn công Mosul, tất cả thanh niên sẽ đứng về phía họ", Umm Yihya, 46 tuổi, người vừa trốn thoát khỏi Mosul cách đây một tuần cùng con trai, hiện sống trong một khu lều trại ở Debaga, phía nam Erbil, nói. "Thậm chí, phụ nữ cũng sẽ chống IS. Chúng đã đối xử tồi tệ với chúng tôi và điều đó khiến chúng bị oán hận".
Nhưng cũng có những người cho rằng một cuộc nổi dậy rộng khắp chống IS là điều không thể. "Họ lo sợ. Tôi không tin họ sẽ nổi dậy", Hussein Hassan, người đàn ông vừa trốn khỏi một ngôi làng gần Mosul, cho biết.
Theo Hassan, dù hầu hết người dân đều hoan nghênh chiến dịch giải phóng Mosul nhưng họ không mấy tin tưởng vào năng lực của các lực lượng an ninh Iraq. Hassan cho hay tại làng của ông, chỉ cần một nhúm chiến binh IS cưỡi xe máy đã đủ sức chiến đấu cầm cự với một lực lượng lớn hơn nhiều.
"Chúng giao chiến với tất cả các lực lượng Iraq. Điều này khiến quân đội Iraq không thể vào làng chúng tôi", Hassan nói.
Trong khi đó, IS đang cố gắng định hướng suy nghĩ, cảm tình của người dân Mosul trước khi cuộc tấn công lớn nhằm vào thành phố nổ ra. Tuần qua, IS đã tung loạt video cho thấy các phiến quân bịt mặt tuần tra trên đường phố và những người được IS phỏng vấn nói cuộc sống nơi đây vẫn yên bình.
Song qua lời kể của dân chúng còn sống bên trong Mosul cùng những người đã di tản nhưng vẫn giữ liên lạc với bà con ở lại, một bức tranh hoàn toàn khác hiện lên. Họ miêu tả đường phố gần như vắng tanh, chỉ có các tay súng IS hoặc đang chạy trốn hoặc đang di chuyển đến tiền tuyến để bảo vệ những ngôi làng ở ngoại vi thành phố trước cuộc tấn công từ lực lượng an ninh Iraq.
Họ nói về nỗi sợ hãi đang lớn dần trước sự trấn áp của những kẻ cai trị IS. Thực phẩm đang khan hiếm. Những người bị bắt quả tang sử dụng điện thoại di động để liên lạc với bên ngoài phải đối mặt nhiều hình phạt nặng, thậm chí xử tử. Một số người dân xóa sạch khỏi điện thoại di động những hình ảnh mà họ chụp chung với IS vì lo sợ bị lực lượng an ninh Iraq coi là những người hợp tác với phiến quân.
IS cũng đang cố kích động nỗi sợ hãi của người Arab theo Hồi giáo dòng Sunni tại Mosul. Tuần trước, chúng tập hợp người dân và cho họ xem các video tuyên truyền quay cảnh người Hồi giáo Shiite, chiếm đa số trong lực lượng an ninh Iraq, ngược đãi người Hồi giáo Sunni.
Khoảng một tháng trước khi chiến dịch tấn công giải phóng Mosul bắt đầu, Ahtan Thamir chạy thoát khỏi Mosul. Cũng giống như Abid, Thamir cạo râu khi đến khu lều trại dành cho người lánh nạn. Anh vẫn giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè và gia đình ở Mosul. Anh cho biết mọi người "đang chờ đợi khoảnh khắc này". Thamir đoán phiến quân IS "rồi sẽ bỏ chạy như những con chó".