Ngày 16/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã có thông báo cho trẻ em, học sinh và học viên tiếp tục nghỉ học cho đến ngày 28/2. Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức dạy và học trực tuyến phù hợp với trình độ, lứa tuổi. Bên cạnh đó, các trường học và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo quy định (vệ sinh phòng học, bổ sung các thiết bị y tế).
Phú Yên là địa phương giáp ranh với tỉnh Gia Lai- đã ghi nhận các mắc COVID-19 trong cộng đồng. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan phải tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Cùng ngày, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký văn bản 1351/UBND-VP về việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trong đó nêu rõ cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục ngừng đến trường đến hết 28/2. Việc dạy và học trực tuyến trên mạng internet được triển khai theo quy định nhằm bảo đảm kế hoạch năm học 2020-2021.
Văn bản này cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai các phương thức dạy học phù hợp, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã quyết định cho học sinh, sinh viên các cấp học tạm dừng đến trường, triển khai học trực tuyến từ ngày 17/2. Ngay lập tức, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, sẵn sàng cho ngày học trực tuyến đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
Do đã xác định trước dịch COVID-19 có thể kéo dài và diễn biến phức tạp nên ngay từ đầu năm học 2020-2021, bên cạnh việc triển khai kế hoạch dạy học bình thường theo chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các đơn vị, trường học chủ động xây dựng phương án dạy học ứng phó khi học sinh không thể đến trường. Chính vì vậy, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, các nhà trường đều nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hoạt động phòng, chống dịch, chuyển trạng thái dạy và học ngay lập tức.
Chiều 15/2, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định cho tất cả học sinh, sinh viên và học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, chỉ đạo ngành giáo dục tham mưu UBND tỉnh phương án dạy và học tại các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; đề nghị Trường Đại học Đồng Tháp cho các sinh viên nghỉ học đến khi có thông báo mới của UBND tỉnh thì xem xét, quyết định.
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận cũng đã quyết định cho học sinh nghỉ học bắt đầu từ ngày 17/2 cho đến khi có thông báo trở lại.
Cũng trong ngày 15/2, UBND tỉnh Hà Nam có Công văn số 384/UBND-KGVX về việc cho trẻ em, học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạm dừng đến trường từ ngày 17/2 đến hết ngày 21/2 để phòng, chống dịch.
Ngoài ra, trong thời gian học sinh không đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo để bảo đảm kế hoạch dạy và học của ngành. Đến hết thời gian trên, Sở sẽ căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để có kế hoạch tiếp theo.
Cũng giống Hà Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đã cho phép học sinh các cấp học gồm: Trẻ mầm non, mẫu giáo; học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; học viện các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên; học sinh các trường trung cấp, cao đẳng, phân hiệu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Bến Tre được tiếp tục không đến trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đến hết ngày 21/2.
Trong thời gian nghỉ học, các trường tổ chức học trực tuyến cho học sinh để bảo đảm chương trình, kế hoạch năm học theo quy định. Đồng thời, các trường học tổ chức vệ sinh, khử trùng tại các trường học để bảo đảm an toàn cho các học sinh sau khi trở lại lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng đã ban hành văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo và các đơn vị trực thuộc thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục không đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 đến hết ngày 20/2.
Theo đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; giám đốc các trung tâm: Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa, Tư vấn du học trên địa bàn tỉnh thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tiếp tục không đến trường cho đến hết thứ Bảy, ngày 20/2 và trở lại trường từ thứ 2, ngày 22/2.
Ngày 14/2, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các quận, huyện, cơ sở giáo dục trên địa bàn cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục ngừng đến trường từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến hết ngày 28/2. Trong thời gian này, học sinh, sinh viên tiếp tục học trên internet để bảo đảm kế hoạch thời năm học 2020-2021 theo quy định.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 2.300 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, với hơn 1,7 triệu học sinh. Riêng khối giáo dục nghề nghiệp, thành phố có hơn 120 trường trung cấp và cao đẳng; hơn 270 trung tâm và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Còn tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã có văn bản hỏa tốc số 969/UBND-VX1 về việc cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học sinh đi học trở lại từ thứ Tư, ngày 17/2.