Trước thông tin sẽ chấm lại tất cả các bài thi điểm cao từ Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT, không ít ý kiến lo ngại liệu có xảy ra tình trạng giám khảo chấm quá chặt, gây thiệt thòi cho thí sinh.
Tính đến thời điểm này, thông tin từ Ban Chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố cho thấy, điểm 9 Ngữ văn khá hiếm. Tại TP Hồ Chí Minh mới xuất hiện một vài điểm 9. Tại Bắc Giang, điểm cao nhất là 8,5. Tại Lạng Sơn, điểm phổ biến nhất trong hội đồng chấm thi Ngữ văn là 5, 6 điểm.
Thực tế việc chấm thi môn Ngữ văn vẫn được cho là có độ "co giãn" nhất định so với các môn thi khác vì phụ thuộc nhiều vào ý chủ quan của giám khảo thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đáp án, nhất là với đề thi có câu hỏi mở.
Kiểm tra công tác chấm thi tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ áp lực của kỳ thi năm nay sau những sai phạm chấm thi tại một số tỉnh của kỳ thi năm ngoái. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh việc sẽ chấm lại các bài thi điểm cao như một biện pháp nhằm ngăn ngừa gian lận trong chấm thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, chấm tự luận nếu 2 vòng chênh từ 1,5 điểm trở lên thì bên cạnh việc chấm thêm vòng thứ ba thì cần phải xem lại nguyên nhân từ phía cán bộ chấm thi. Do nguyên nhân chủ quan hay khách quan? Do nhận thức, năng lực hay có động cơ cá nhân gì của người chấm hay không?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, hội đồng chấm thi bắt buộc chấm kiểm tra 5% bài thi Ngữ văn ngay trong quá trình chấm, trong đó có những bài có điểm cao. Điểm cao thì tùy thuộc từng hội đồng thi, có nơi 7 điểm đã là cao nhưng có nơi 9 điểm.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý tình trạng chấm chênh điểm không chỉ từ thấp thành cao mà có cả hiện tượng chấm chặt quá khiến học sinh bị thiệt thòi. Thứ trưởng cho rằng việc xem xét này cần thực hiện nghiêm túc để nếu cần thiết phải quyết liệt xử lý ngay; dừng việc chấm thi của những giám khảo như vậy để tránh thiệt thòi cho các thí sinh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực của mình thì mức chênh lệch điểm môn Ngữ văn giữa hai vòng chấm chỉ có thể chênh nhau dưới 1 điểm là tối đa. Các ban chấm thi cần đảm bảo đúng tiến độ chấm nhưng điều quan trọng đặt lên hàng đầu là sự trung thực, khách quan, phản ánh đúng kết quả bài làm của thí sinh.