Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn
Nhìn từ góc độ cộng đồng các doanh nghiệp bán sản phẩm BĐS, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam khẳng định: dịch Covid-19 ập đến gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường BĐS nhưng thị trường cũng phục hồi nhanh nhất so với các loại hình khác. Ngay sau khi đợt dịch một kết thúc, kết thúc giãn cách, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch. ‘Thị trường vẫn hoạt động tốt, mặc dù có ảnh hưởng của đợt dịch đầu năm’, ông Đính nhấn mạnh.
Lý giải về những khủng hoảng trên thị trường gần đây, ông Đính cho rằng thị trường BĐS không gặp khủng hoảng, mà đang bị khủng hoảng từ bên ngoài tác động vào làm thị trường bị chậm nhịp lại.
“Vào những năm 2017-2018, thị trường BĐS Việt Nam rất mạnh. Sang năm 2019 có khựng lại đôi chút, các chỉ số của thị trường ngay lập tức giảm hơn 2018. Theo đó, năm 2017, có 130 nghìn sản phẩm được hấp thụ, đến năm 2018 vọt lên 180 nghìn sản phẩm nhưng đến năm 2019 còn 110 - 120 nghìn sản phẩm. Điều này cho thấy thị trường có sự sụt giảm nhưng xuất phát từ nguyên nhân là do tác động của tình hình vĩ mô’, ông Đính chia sẻ.
Thực tế ghi nhận của Hiệp hội này cho thấy, khi thị trường BĐS gặp khó khăn mọi nguồn lực đều khuyến khích phát triển, khi thị trường phát triển mạnh thì lại bộc lộ những yếu điểm của chính sách, pháp luật. Vừa qua, nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, cũng như hạn chế phát triển các dự án ở các địa phương. Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM còn tới cả trăm dự án.
Việc các dự án bị dừng triển khai dẫn đến nguồn cung thiếu, trong khi lực cầu vẫn mạnh. Do đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có những dự án mở bán vẫn được hấp thụ lên tới 90%. Cụ thể, tại TP.HCM có những dự án giá bán lên tới 40 triệu đồng/m2 nhưng trong vòng hai ba tháng đã tiêu thụ tới 95%.
“Do đó, theo tôi đây không phải khủng hoảng do thị trường BĐS bởi nhu cầu vẫn rất mạnh, rất lớn”, ông Đính nói.
Chu kỳ mới: đầu tư vào đâu?
Theo khảo sát do một đơn vị truyền thông uy tín thực hiện trung tuần tháng 8, bất chấp thách thức từ Covid-19, bất động sản vẫn là kênh đầu tư dẫn đầu với 38% lượt bình chọn (tương đương gần 42.900 phiếu bầu tính đến 17/8). Các kênh đầu tư được ưu tiên sau đó lần lượt là gửi tiết kiệm (27%), chứng khoán (12%), vàng (17%) và cuối cùng là USD (6%).
Trong các giai đoạn trước, giá bất động sản có thể tăng giảm đan xen trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn luôn tăng mạnh theo thời gian, đặc biệt tại các mốc “lập đỉnh” như 1994, 2001, 2008, 2014.
Chu kỳ mới của thị trường (2021- 2030) không nằm ngoài xu hướng này, nhưng câu hỏi đặt ra là sự tăng giảm sẽ diễn ra ra sao, tại những khu vực nào, và những phân khúc nào?
Trong trạng thái bình thường mới, bức tranh bất động sản sẽ có những thay đổi gì đáng chú ý? Các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cần làm gì để tận dụng cơ hội phục hồi và đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường?.. .
Chia sẻ về chủ đề này, các chuyên gia lạc quan cho rằng trong bộn bề khó khăn nhưng vẫn có những điểm vĩ mô tích cực đang tác động đến thị trường BĐS.
Chuyên gia Võ Trí Thành nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả năng 2-3% là cao nhất nhưng con số này vẫn còn vô cùng tích cực so với bối cảnh thế giới.Bất động sản không tránh khỏi nằm trong cơn bão khó khăn chung. Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng các chủ đầu tư kinh doanh vẫn nên lưu ý và quan tâm.
Cùng đánh giá về tình hình vĩ mô hiện nay, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 1,5%-2%. “Giai đoạn 2020-2021, chúng ta chủ yếu tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn 2022- 2025 sẽ là giai đoạn bứt phát để phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Lực nói và đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ mạnh thị trường BĐS.
Về cơ hội và thách thức với thị trường BĐS, các chuyên gia cho rằng, trong nguy có cơ. “Hiện Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, BĐS sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Có ba điểm sáng với thị trường BĐS bao gồm thị trường BĐS công nghiệp, BĐS nhà ở và logistics. Cũng cần phải nhấn mạnh, trong và sau đại dịch Covid-19, hành vi của các nhà đầu tư đã và đang thay đổi rất lớn, do vậy, cấu trúc BĐS cũng sẽ thay đổi rất nhiều để thích nghi’, ông Lực khẳng định.
Về xu hướng đầu tư, ông Nguyễn Văn Đính nhận định: khi dịch được kiểm soát, BĐS sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên được khôi phục, bên cạnh đó là du lịch, trong đó có du lịch nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới vẫn còn cửa sáng cho thị trường BĐS.
Về câu hỏi nên mua BĐS ở đâu, sản phẩm gì, ông Đính đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư: Đầu tư BĐS vẫn là kênh an toàn nhất, sinh lời tốt nhất, sinh lời thông qua giá trị, qua 3-4 cuộc khủng hoảng ko có cuộc nào giảm giá mà vẫn tăng đều nhưng nếu nhà đầu tư tài chính ít nên đầu tư vào loại hình ít rủi ro như ngân hàng, vàng, chứng khoán. Nhà đầu tư chọn đầu tư BĐS ở thời điểm này không nên sử dụng đòn bẩy tài chính, vay vốn ngân hàng, mà phải có vốn chủ sở hữu và xác định đầu tư trung và dài hạn. “Những địa phương có tăng trưởng tốt, đất nền là sự lựa chọn nhà đầu tư nên quan tâm. BĐS nghỉ dưỡng du lịch, là sản phẩm đặc thù, vẫn có dư địa lớn ở Việt Nam’, ông Đính nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jll Việt Nam cũng khuyên các nhà đầu tư không nên đầu tư lướt sóng ở giai đoạn hiện nay cũng như sau dịch mà phải đầu tư trung hạn và dài hạn.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho rằng nếu đã đầu tư BĐS bài bản và quy mô thì khủng hoảng 3 tháng hay 1 năm không có gì đáng ngại. BĐS càng để lâu càng có hiệu quả. Các công ty môi giới hoặc công ty nhỏ có thể không thể chờ từ 1 đến 2 năm được. Nhưng nếu qua 1, 2 năm thì sang đến năm thứ 3 có khi giá còn gấp đôi, gấp ba.
“Ngay cả với như FLC, Covid-19 có từ nay đến sang năm thì chúng tôi cũng không sợ. Về lâu dài, BĐS vẫn được đánh giá là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Trong thời gian qua, không thấy bất cứ nhà đầu tư nào thua lỗ, còn nếu thua lỗ chẳng qua là theo phong trào. Nhiều người đầu tư vào rồi muốn rút ra ngay, kiểu như vài tháng rồi rút tiền ra ngay chắc chắn sẽ thua lỗ. Nếu rút như vậy 90% là thất bại”, ông Quyết chia sẻ.
“Với điều kiện khó khăn, từ nay đến sang năm, sản phẩm ra thị trường sẽ rất ít, số lượng các dự án ra thị trường không nhiều. Qua hai làn sóng dịch, tôi chưa hề thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá nào cả. Với chu kỳ từ 2021-2025, chắc chắn thị trường bất động sản còn rất rực rỡ chứ không phải đắn đo gì nhiều”, chủ tịch FLC nhận định.