Thời nắng xanh của thi sĩ Trương Nam Hương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhà thơ Trương Nam Hương thành danh khá sớm so với bạn bè cùng trang lứa của anh. Khi chưa đầy 30 tuổi, Trương Nam Hương đã nhận nhiều giải thưởng thơ uy tín lúc đó: giải thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1989-1990, giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991…

Khi bạn bè cùng thời với Trương Nam Hương còn loay hoay tìm cách để định danh cho ngòi bút, thì anh đã định hình trong bạn đọc như một nhà thơ với câu chữ tài hoa. Nhiều thế hệ sinh viên từng lê la quán cóc trước cổng trường đại học như tôi, vẫn đọc với nhau những câu thơ của Trương Nam Hương: Cà phê khoáy mãi chưa tan nhớ/ Muỗng gõ thành ly đã đắng môi

Thời nắng xanh của thi sĩ Trương Nam Hương ảnh 1

Tập thơ Thời nắng xanh và những bài thơ khác của nhà thơ Trương Nam Hương

Thơ Trương Nam Hương những năm tháng ấy là thơ của “Khúc hát người xa xứ”, của “Cỏ tuổi hai mươi”… của thời tuổi trẻ với trời xanh, cỏ biếc, nắng hồng trên đôi má người yêu. Tâm trạng tha hương, sống một nơi nhưng cảm giác thuộc về lại ở một nơi khác luôn thường trực trong thơ Trương Nam Hương từ những năm tháng ấy đến tận bây giờ.

Những ngày cuối năm, lại vang lên câu thơ của Trương Nam Hương, như một câu cửa miệng trong lòng người tha hương: Tết nhất rồi hãi lắm cảnh tàu xe… Cảm giác nôn nao muốn về quê của một năm xa nhà đã được nhiều người tìm thấy trong thơ Trương Nam Hương ở rất nhiều thi tập của anh. Và tập thơ mới nhất Thời nắng xanh và những bài thơ khác vừa được NXB Hội Nhà văn cấp phép ấn hành của Trương Nam Hương cũng cho người đọc sự đồng cảm như thế về nơi chốn ta thuộc về.

Đời người phận tép thân tôm/ Tha hương vì chuyện áo cơm mệt nhoài/ Chao ôi ngày ngắn đêm dài/ Tấm chăn không đủ ấm ngoài cô đơn… (Tha hương). Nỗi tha hương ấy vừa có tính địa lý nhớ về một địa danh cụ thể, vừa có tính thời gian với những kỷ niệm vẫn đong đầy, vừa có những khuôn mặt thương yêu nay đã không còn nữa.

Bài Câu thơ ngày về là một ví dụ:

Ước mang một chút nắng về

Thường khi cứ tết là quê mưa dầm

Mệt nhoài cơm áo quanh năm

Hiếm hoi có một đêm nằm với quê

Gối đầu sóng nước ta nghe

Sông côi cút tiếng hò khuya buồn buồn

Mẹ theo hương khói lên nguồn

Sau ta thăm thẳm cánh buồm lẻ loi

Ruổi rong khắp bốn phương trời

Câu thơ hành khất theo người hành hương

Ta gom nhặt giữa đời thường

Nỗi đau của mẹ, nỗi buồn của cha

Ngày về sau tháng năm xa

Trắng bàn tay, trắng dần qua mái đầu

Có gì để tặng quê đâu

Đời thơ bèo bọt dăm câu bọt bèo

Cũ mèm vần điệu khi gieo

Thể như mẹ gánh đói nghèo kinh niên

Một thời mũi đạn làn tên

Mấy thời giông bão tràn lên đất này

Thức cùng quê một đêm nay

Rồi mai lại tính từng ngày cách xa

Bao giờ cơm áo buông tha

Câu thơ thay được đời ta. Bao giờ…

Thời nắng xanh của thi sĩ Trương Nam Hương ảnh 2

Nhà thơ Trương Nam Hương qua góc nhìn của họa sĩ Bùi Đức Lâm

Hay như bài Thời nắng xanh được dùng đặt tên cho tập thơ này, cũng là một vùng ký ức của tâm trạng tha hương dành cho nơi thuộc về: Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu/ Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/ Chở sớm chiều tóm tém/ Hoàng hôn đọng trên môi bà quạch thẫm/ Nắng xiên khoai qua vách liếp không cài…

Nhà thơ Trương Nam Hương từng tự họa: Trong tôi có chút sâu đằm/ Của Kinh Bắc với thâm trầm cố đô, đó là hai địa danh quê cha quê mẹ của anh. Dù cả thời thanh xuân đến nay, Trương Nam Hương sống và viết tại Sài Gòn nhưng trong sâu thẳm anh luôn nhớ những nơi tâm hồn mình thuộc về. Đó cũng là sự khác biệt của tạo hóa khi tạo ra động vật, những loài di chuyển được trên mặt đất này, có tri giác đều tìm được đường về cố hương; huống chi chúng ta là con người.

Cuối năm ngồi đọc Thời nắng xanh… của nhà thơ Trương Nam Hương, khi ngoài đường nhộn nhịp người về quê, bất giác những bài thơ tài hoa khác của anh trôi vụt qua chỉ còn đọng lại trong tôi những bài viết về quê hương. Đọc thơ, suy ra cũng là nối liền sợi dây tâm trạng của người đọc và tác giả vậy.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan, Ninh Bình) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai 2023.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024
(Ngày Nay) - Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024 bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống thi leo cột chinh phục tình yêu, đánh yến, trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa, múa trống đồng; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng...
Ảnh minh hoạ.
Thêm một cây xanh – thêm một hành động bảo vệ môi trường
(Ngày Nay) - Triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây.
Đèn Maple Leaf của Tiffany Studios. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Họa tiết lá phong: Khi nghệ thuật hòa quyện cùng thiên nhiên trên đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Cuốn hút như những chiếc lá phong mùa thu, đèn Maple Leaf của Tiffany Studios là một kiệt tác nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự sáng tạo của con người. Từng đường nét, từng sắc thái màu sắc đều được trau chuốt tỉ mỉ, mang đến một bức tranh đầy ấn tượng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khởi trống khai mạc lễ hội.
Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.