Sáng 28/12, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2016.
Theo báo cáo, quy mô nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành đạt 4,5 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015. Con số này thấp hơn mức mục tiêu đặt ra là 6,7% và thấp hơn con số báo cáo với Quốc hội (6,3-6,5%).
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết mức tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra. Nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp, đạt được mức tăng trưởng như trên là một thành công.
Ông Lâm cũng cho rằng tuy chưa có bứt phá tăng trưởng của toàn nền kinh tế nhưng các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng tốt ngoại trừ nông, lâm nghiệp và khai khoáng là hai lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong năm 2016.
Cụ thể, trong mức tăng 6,21% của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, và đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của thời tiết và sự cố môi trường biển xảy ra ở miền Trung gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất ở khu vực này. Đây cũng là lĩnh vực kéo tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế xuống.
Về cơ cấu kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%, khu vực và dịch vụ chiếm 40,92%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04%.
Về thu, chi ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 15/12, tổng thu cân đối NSNN đạt 93% dự toán, trong khi tổng chi ngân sách đạt 89,2% dự toán.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI thực hiện đến ngày 26/12 ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, trong khi tổng vốn đăng ký đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7,1%.
Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết đạt khoảng 5,38 triệu USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Ước tính cả năm, giải ngân đạt 3.700 triệu USD, bằng 80,4% mức giải ngân năm 2015.
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra đồng thời sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong năm 2016 đã có 12/13 chỉ tiêu cao hơn số báo cáo Quốc hội, kể cả xuất nhập khẩu. Chỉ có 1 mục tiêu xấp xỉ số báo cáo Quốc hội, thiếu hụt 0,09% đó là GDP.
“Con số này phải cập nhật để cuối năm có được con số chốt lại một cách chính xác”, Thủ tướng yêu cầu và bày tỏ tin tưởng những số liệu trên đã được thống kê trên tinh thần làm việc nghiêm túc của các cơ quan.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 28/12, cả nước hiện có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2015.