Sau khi bị Đảng Bảo thủ gây sức ép buộc phải từ chức lãnh đạo, báo Daily Telegraph ngày 9/7 cho biết Thủ tướng tạm quyền Boris Johnson có thể rút hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị.
Tờ báo trên đã trích dẫn nhiều nguồn tin cho hay ông Johnson đang suy nghĩ về việc có nên ở lại Hạ viện giống như người tiền nhiệm Theresa May đã làm, hay từ bỏ hoàn toàn nỗ lực trong mùa bầu cử tiếp theo.
Sau khi từ chức, chính trị gia này có thể quay lại với nghề viết sách và diễn thuyết tại các sự kiện. “Ông ấy đang dành dịp cuối tuần này để suy nghĩ về điều đó. Tôi nghĩ rằng ông ấy chưa có quyết định”, một nguồn tin nói.
Ông Boris Johnson, 58 tuổi, là tác giả của một số đầu sách, trong đó có cuốn viết về chủ đề lịch sử Đế chế La Mã. Ông vẫn chưa gửi bản thảo cuốn sách về cuộc đời của nhà văn William Shakespeare cho nhà xuất bản Hodder và Stoughton ở Anh.
Cuốn sách này được cho là ra mắt vào năm 2016 để trùng với kỷ niệm 400 năm ngày mất của đại thi hào trên, nhưng phía nhà xuất bản đã đồng ý lùi ngày phát hành sau khi ông Boris Johnson được bổ nhiệm làm ngoại trưởng tại thời điểm đó.
Ngoài ra, nghề viết sách và diễn thuyết có thể đem lại nguồn tài chính dồi dào cho ông. “Giống hầu hết những người tiền nhiệm, từ Winston Churchill đến Tony Blair, ông Johnson sẽ được chào đón nhiệt tình bên ngoài đất nước Anh”, ông Jeremy Lee, cựu nhân viên mật vụ của Thủ tướng Boris Johnson nói. Theo nhân vật trên, Boris Johnson là một thương hiệu toàn cầu nổi tiếng với những bài phát biểu đầy màu sắc. Và khán giả từ khắp nơi như Mỹ và châu Á sẽ hưởng ứng ông.
Ông Boris Johnson hôm 7/7 đã thông báo từ chức Thủ tướng Anh sau khi là tâm điểm của một số vụ bê bối cấp cao cũng như làn sóng từ chức của các thành viên trong nội các. Ông tạm thời tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ Anh cho đến khi Đảng Bảo thủ.chọn được lãnh đạo mới.