Thủ tướng Johnson cho biết ông quyết định yêu cầu Nữ hoàng đưa ra bài phát biểu phác thảo chương trình nghị sự lập pháp của chính phủ vào ngày 14/10 và bà đã phê chuẩn đình chỉ Quốc hội tổng cộng 32 ngày từ ngày 12/9 đến ngày 14/10. Điều đó khiến cho các nhà lập pháp không có đủ thời gian để thông qua luật ngăn chặn việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận "ly hôn" trước ngày 31/10.
"Đây là một thủ tục hoàn toàn bình thường", lãnh đạo của Hạ viện Jacob Rees-Mogg nói với Sky News.
Được biết đến với tên gọi Bài phát biểu của Nữ hoàng (Queen’s Speech), sự kiện khai mạc Quốc hội Anh chính thức được tổ chức vào ngày 14/10 và trước đó Hạ viện sẽ tạm thời bị đình chỉ, nghĩa là Quốc hội sẽ tạm ngưng hoạt động vào khoảng thời gian từ giữa tháng 9 tới giữa tháng 10.
Động thái đầy bất ngờ này đã được Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận, làm hạn chế thời gian bàn bạc của các nghị sĩ có quan điểm chống lại "Brexit cứng", nhưng cũng có thể khiến Thủ tướng Johnson đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của mình và có thể là một cuộc bầu cử.
Thủ tướng Johnson nhấn mạnh rằng quyết định này nhằm phác thảo chương trình nghị sự trong nước của mình, ông cũng bác bỏ các cáo cuộc né tránh tranh luận, nói rằng sẽ có một thời gian ngắn để thảo luận về Brexit và các vấn đề khác.
Các nhà lập pháp đối lập đã tỏ ra hết sức giận dữ trước động thái này, bao gồm ông John Bercow - phát ngôn viên của Hạ viện Anh, người đã không biết trước về kế hoạch của Thủ tướng Johnson.
"Việc đóng cửa Quốc hội sẽ là một hành vi phạm tội chống lại quá trình dân chủ và quyền của các nghị sĩ", ông Bercow nói. "Chắc chắn ở giai đoạn đầu tiên của mình, Thủ tướng nên tìm cách thiết lập thay vì làm suy yếu cam kết của ông đối với nền dân chủ Nghị viện".
Người đứng đầu đảng Lao động Jeremy Corbyn đã viết thư cho Nữ hoàng để phản đối quyết định đình chỉ Hạ viện, ngoài ra ông Corbyn cho biết nhiều đảng phái khác cũng có cùng quan điểm như vậy.