Trong hệ thống nghị viện của Anh, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm được khởi xướng bởi chính phủ - Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May. Vấn đề sẽ được giải quyết bằng một cuộc bỏ phiếu đa số, bao gồm 158 phiếu bầu. Mặc dù bà May đã "sống sót" sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư, động thái này đã khiến cho quyền lực của bà bị suy yếu nghiêm trọng.
Thủ tướng Anh Theresa May đã nhận được 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống, Ngài Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922, cho biết tối thứ Tư. Số phiếu thuận mà bà May nhận được thậm chí còn nhiều hơn so với cuộc bầu cử giành quyền lãnh đạo đảng vào năm 2016, tờ The Guardian đưa tin.
Do đó, sẽ không có thêm bất kỳ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào được kêu gọi trong ít nhất 12 tháng.
Bà May trở thành người đứng đầu chính phủ Anh vào tháng 7 năm 2016, ngay sau khi cựu Thủ tướng David Cameron từ chức do cuộc bỏ phiếu Brexit được thông qua vào ngày 23/6, qua đó quyết định việc Anh rời khỏi EU.
Nữ Thủ tướng Anh đã bắt đầu mất niềm tin vào chính phủ của mình sau một cuộc tranh luận sôi nổi vào tháng trước về kết quả của các cuộc đàm phán kín giữa bà May với các nhà lãnh đạo EU về các điều khoản hậu "ly hôn". Một điểm gây tranh cãi đặc biệt là vấn đề Bắc Ireland, quốc gia có chung biên giới với Ireland (thành viên EU), hiện vẫn có những tranh cãi xung quanh quyết định biên giới Bắc Ireland với Ireland sẽ là "cứng" hay "mềm", do phần còn lại của Liên hiệp Anh đã tách khỏi EU.
Bà May đã cố gắng thuyết phục các nhà đối lập và đưa ra lựa chọn: Hoặc hoàn toàn rời khỏi EU hoặc giữ quan hệ hạn chế với khối này. Mối quan tâm hàng đầu của bà là sự hạn chế tự do đi lại để ngăn chặn tình trạng nhập cư từ các khu vực khác của EU vào Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài của bà May với EU có thể tạo ra một tình huống mà trong đó Anh sẽ ở lại liên minh hải quan, nghĩa là các doanh nghiệp của nước này, các tiêu chuẩn trọng lượng, đo lường, tiêu chuẩn và các quy định khác sẽ được Liên minh châu Âu quyết định và được điều chỉnh bởi Tòa án Công lý Châu Âu.
Với việc duy trì biên giới "mềm" giữa Ireland và Bắc Ireland, thì vấn đề Anh đơn phương rời khỏi liên minh hải quan trở nên bất khả thi.
"Nếu chúng ta ở lại vô thời hạn trong liên minh hải quan, với việc nền kinh tế Anh do EU điều tiết một cách hiệu quả, vậy thì việc 'tách ra' có ý nghĩa gì", nhà báo Alexander Mercouris - Tổng biên tập tờ Duran, đặt câu hỏi.
Vào thứ Hai, bà May đã hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu về bản kế hoạch Brexit tại Hạ viện mà nhiều người dự đoán sẽ thất bại và quay trở lại Brussels nhằm tìm kiếm các thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn không tỏ ra khoan nhượng. Trong khi đó, phe đối lập của bà May, lãnh đạo đảng Lao động - ông Jeremy Corbyn, đã gọi chính phủ của mình là "mớ hỗn loạn" trong một bài phát biểu tại Hạ viện hôm thứ Ba, kêu gọi bà May dọn đường cho các nhà lãnh đạo có khả năng hơn nếu bà không thể giải quyết công việc.
Sau thông báo về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng May, ông Corbyn tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu không tạo ra sự khác biệt đối với cuộc sống của người dân Anh và rằng thỏa thuận Brexit của bà May vẫn phải đối mặt với phán quyết trong Quốc hội.
Vương quốc Anh dự kiến sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 29/3 năm 2019.