Nên có văn bản quy định riêng về quản lý TPCN
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện cả nước có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Trong các cơ sở sản xuất TPCN có mặt hàng ở Việt Nam thì nhập khẩu chiếm 43 %, 57% là sản xuất trong nước với hơn 3.000 sản phẩm. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về xây dựng khung pháp lý quản lý TPCN tổ chức ngày 5/5, GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ năm 2011, trong đó có quy định liên quan đến TPCN, cho thấy vai trò của TPCN rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều văn bản dưới luật đã được ra đời như quy định về quản lý thực phẩm biến đổi gen, quản lý phụ gia thực phẩm… nhưng đối với TPCN chỉ có Thông tư 43 của Bộ Y tế (năm 2014) quy định về quản lý thực phẩm nói chung, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, bảo quản TPCN chưa được chặt chẽ.
“Bộ Y tế là đơn vị trực tiếp quản lý về TPCN, vì vậy khi được Chính phủ giao thực hiện, Bộ y tế nên xem xét và kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định, chứ không thể chỉ là thông tư như hiện nay”, ông Trịnh Quân Huấn chia sẻ.
Đại diện phía doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN, bà Lê Mai Linh, PGĐ Công ty TNHH Thương mại Vision cũng cho biết, phía DN nhận thấy TPCN phát triển mạnh và được thế giới coi trọng. Tuy nhiên, Thông tư 43 của bộ Y tế chưa bao quát được hết các khâu tác động đến sản phẩm này như nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến, kiểm nghiệm…nên cần có một văn bản quy định riêng về TPCN.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng thừa nhận, Thông tư 43 quy định nhiều vấn đề về ATTP, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập nảy sinh với quy định mới của Luật Đầu tư. Vì vậy, Bộ y tế đã có dự kiến sẽ trình Chính phủ để ban hành Nghị định về TPCN.
Cũng tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đều nhận định nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với thực tế, có doanh nghiệp còn lợi dụng với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, quảng cáo không đúng với công dụng…, khiến người tiêu dùng “rơi vào mê trận”, khó phân biệt TPCN thật và giả, tạo tâm lý không an toàn, thậm chí tẩy chay sản phẩm.
Cấm bán TPCN qua bán hàng đa cấp?
Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, mới đây Bộ Y tế có đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ về việc cấm bán TPCN theo hình thức đa cấp. Tuy nhiên, ông Trần Đáng cho rằng, TPCN không phải là thuốc thì không thể cấm như thuốc.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, hiện TPCN đang được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Song thông qua mạng lưới kinh doanh đa cấp đang bị biến tướng, thì TPCN được quảng cáo có tác dụng thần kỳ như thần dược, thậm chí hơn cả thuốc điều trị, khiến người tiêu dùng lầm tưởng, từ đó đẩy giá sản phẩm lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Bác sĩ - Luật sư Nguyễn Hưng Củng, Tổng Thư ký Hiệp hội TPCN cũng cho rằng, ở giai đoạn vừa rồi, đúng là TPCN phát triển bùng nổ và vẫn có kiểm soát.
“Việc hơn 90% các công ty đa cấp bán TPCN đã khiến toàn bộ TPCN bị vạ lây, chứ thực ra TPCN đã được nghiên cứu và đảm bảo chất lượng, tính khoa học”, ông Nguyễn Hưng Củng nói.
Để góp phần quản lý tốt hơn TPCN thời gian tới, ông Nguyễn Hưng Củng cho rằng, cần phải tìm ra kẽ hở trong các quy định hiện hàng để góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tế, không để TPCN đi ngoài luồng quản lý của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện tại Cục đang xây dựng Nghị định quản lý TPCN để trình Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định mới đang lấy ý kiến góp ý cho việc xây dựng khung Nghị định và cũng đang ở giai đoạn đầu xây dựng các nội dung chi tiết cho Nghị định.