Theo kết quả khảo sát tình hình thưởng Tết tại 142 DN có trên 30 lao động của LĐLĐ quận Bình Tân, TP.HCM, dù sản xuất khó khăn nhưng nhiều DN vẫn cam kết trả lương và thưởng Tết đầy đủ. Trong số 26 DN đã báo cáo thưởng Tết, mức thưởng bình quân là 1 tháng lương cơ bản.
Công ty TNHH Giày da Tích Hanh thưởng Tết cho CN 1 tháng lương, chưa kể khoản thưởng chuyên cần (từ 1-1,2 triệu đồng). Tại công ty TNHH Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP.HCM), dù sản lượng tiêu thụ giảm hơn 30% so với năm 2013, nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết 1 tháng lương. “Tết năm 2014, mức thưởng bình quân là 3,6 triệu đồng/người, năm nay chúng tôi cố gắng duy trì mức này để động viên công nhân (CN)”, ông Lê Hòa Bình, Tổng giám đốc công ty nói.
Anh Võ Lê Thành Tôn, công nhân (CN) công ty Sanofi Aventis (chuyên về dược phẩm tại quận 4, TP.HCM) thông tin: “Năm nay công ty công bố kế hoạch tăng mức phúc lợi, lương và thưởng Tết lên 10%, anh chị em công nhân (CN) phấn khởi lắm. Tết đến, ai cũng mong có một khoản lương thưởng để lo cho gia đình. Đây là động lực để NLĐ làm việc chăm chỉ và gắn bó với công ty hơn”.
Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch công đoàn công ty Sanofi Aventis, cho biết: công ty có gần 1.200 CN, năm nay thưởng Tết của CN trực tiếp sản xuất là 1,5 tháng lương thực lãnh, tương đương gần 10 triệu đồng/ người. Ngoài ra, NLĐ còn được thưởng thâm niên theo mức làm đủ một năm được thưởng 3,5 triệu đồng, làm việc đủ 5 năm được cộng thêm 2 triệu đồng, đủ 10 năm được cộng thêm 4 triệu đồng.
Theo bà Hồ Bích Ngọc, Chủ tịch Liên đoàn lao động quận 1, hiện đã có hơn 20% trong tổng số 1.293 doanh nghiệp trên địa bàn quận báo cáo tình hình lương, thưởng Tết với mức thưởng trung bình khoảng 5 - 6 triệu đồng/người và chưa có doanh nghiệp nào báo khó khăn trong vấn đề chi trả lương- thưởng Tết.
Không chỉ doanh nghiệp mà LĐLĐ các quận, huyện cũng đang nỗ lực chăm lo cho những NLĐ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bà Hồ Bích Ngọc cho biết: “Năm nay, LĐLĐ quận dự kiến vận động khoảng 200 triệu đồng để chăm lo cho CN viên chức- lao động bị mất việc, nữ CN mang thai, CN có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, CN bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn LĐ... LĐLĐ sẽ tổ chức một số hội thi, tiệc tất niên cùng các hoạt động văn nghệ, chúc Tết, lì xì... cho những CN không có điều kiện về quê ăn Tết.
Liên quan đến vấn đề thưởng tết, trước đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã có văn bản đề nghị các Doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt việc trả lương, thưởng Tết cho người lao động (NLĐ) trong dịp Tết năm nay.
Theo đó, các DN tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông tin sớm kế hoạch trả lương, trả thưởng trước ngày 31/12/2014 để NLĐ rõ về các nội dung như: tiền lương, tiền thưởng, các khoản phúc lợi, hỗ trợ khác, thời gian nghỉ Tết và thời điểm thực hiện.
Bên cạnh đó, DN có trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch về tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2015 cho NLĐ, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của NLĐ dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại DN.
Trường hợp DN gặp khó khăn, cần thông tin trao đổi nhanh với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và báo cáo Phòng LĐ-TB-XH quận, huyện, Ban Quản lý KCX-KCN, Ban Quản lý Khu công nghệ cao (nơi DN nghiệp đặt trụ sở) để cùng phối hợp, thống nhất phương án giải quyết.
Sở LĐ-TB-XH lưu ý DN cần tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật lao động đang thực hiện tại DN, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ phúc lợi đối với NLĐ; đảm bảo các chế độ của NLĐ thực hiện đúng thỏa thuận giữa các bên theo hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của đơn vị phù hợp với quy định pháp luật lao động. Các DN báo cáo đầy đủ các thông tin về tiền lương, tiền thưởng về Sở LĐ-TB-XH trước ngày 31/12/2014.
Trước đó, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, năm 2014, tiền thưởng Tết cao nhất là 709 triệu đồng. Tuy nhiên, có 296 DN với 256.000 NLĐ ở 8 tỉnh, TP không có thưởng Tết Dương lịch; 420 DN với 118.000 NLĐ ở 4 tỉnh (Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa) không có thưởng Tết Nguyên đán. Trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) cho biết, khó dự báo được tình hình thưởng Tết Ất Mùi vì số DN giải thể, phá sản vẫn nhiều, nên lượng người đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh.
Tại Hà Nội, Trưởng phòng Chính sách Lao động – Việc làm (Sở LĐTB&XH) Phạm Văn Thanh cho hay, cuối tháng này, Sở mới có báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết cho NLĐ từ các quận, huyện. Tuy nhiên, theo dự đoán, mức thưởng Tết 2015 khó cao hơn năm trước. Lý do vì chính sách bảo hiểm, tiền lương đối với NLĐ có nhiều thay đổi: Khi buộc phải tăng lương cho NLĐ theo quy định thì các DN sẽ phải cân đối giảm thưởng để có lãi.
Khảo sát tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN trên địa bàn TP Hà Nội, ông Thanh nhận định năm nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ giữ được mặt bằng lương, thưởng như năm ngoái (trung bình 3,7 triệu đồng/người), còn với các DN trong nước có thể sẽ giảm.
Mức thưởng cao nhất của các DN có vốn đầu tư nước ngoài không quá 30 triệu đồng/người. Điều đáng lo mà ông Thanh đề cập là vấn đề tiền lương, thưởng cho hàng ngàn NLĐ tại khoảng 2.000 DN trên địa bàn TP đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản từ đầu năm đến nay. Con số này tương đối cao so với các năm gần đây. Với những DN phá sản, chủ bỏ trốn, Sở sẽ đề xuất UBND TP cấp ngân sách hỗ trợ, giúp NLĐ về quê đón Tết.