CEO của Twitter Jack Dorsey, cùng Mark Zuckerberg của Facebook và Sundar Pichai của Google, đã được Thượng viện mời tham dự cuộc tranh luận về một đạo luật được gọi là Mục 230, nhằm bảo vệ các nền tảng mạng xã hội khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những gì người dùng của họ đăng trên mạng.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, các "ông lớn" truyền thông cũng hết sức đau đầu để bảo vệ người dùng của họ trước làn sóng tin giả và các quan điểm chính trị xung đột.
Tuy nhiên, hành động trung lập này đã khiến phía đảng Cộng hòa tức giận, những người vốn cho rằng Thung lũng Silicon đã đàn áp các tiếng nói bảo thủ, trong khi đảng Dân chủ lo lắng rằng các mạng xã hội lại không làm đủ để kiểm soát tin giả.
CEO Twitter Jack Dorsey trả lời chất vấn tại phiên điều trần. Ảnh: AP |
Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Thương mại của Đảng Cộng hòa cho biết: “Mối bận tâm của tôi là những nền tảng này đã trở thành thế lực mạnh mẽ quyết định điều gì là sự thật và nội dung nào người dùng có thể truy cập”.
Thượng nghị sĩ Wicker cho biết Thượng viện có "hàng tá ví dụ về các nội dung bảo thủ đang bị kiểm duyệt", cũng như chất vấn CEO Jack Dorsey về cách Twitter gắn nhãn thông tin hoặc xóa bỏ nội dung.
“Nền tảng của ông cho phép các nhà độc tài nước ngoài đăng thông tin tuyên truyền không hạn chế nhưng các ông lại thường hạn chế chính Tổng thống Mỹ”, ông Wicker ám chỉ tweet về việc quân đội Mỹ mới là nguyên nhân gây bùng dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Trong khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa lại tỏ ra cáu kỉnh khi nói rằng Twitter "khiến mọi người im lặng" và cáo buộc nền tảng này chặn bài phát biểu chính trị mà họ không đồng tình.
Ông Cruz cũng chỉ trích CEO Jack Dorsey về quyết định của Twitter khi hạn chế quyền truy cập vào một bài báo của New York Post nói về các cáo buộc tham nhũng của Hunter Biden - con trai ứng viên Joe Biden.
"Ông Dorsey, thứ quái nào đã bầu ông và giao ông phụ trách những gì truyền thông được phép đưa tin và những gì người dân Mỹ được phép nghe?", ông Cruz không giữ được sự bình tĩnh.
Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz tại phiên điều trần. Ảnh: AP |
Về phía mình, CEO của Twitter trả lời rằng quyết định chặn các bài báo là "không chính xác" và đã được sửa. "Chúng tôi nhận ra rằng mình cần kiếm được sự tin tưởng nhiều hơn. Chúng tôi nhận thấy rằng cần phải có trách nhiệm giải trình nhiều hơn để thể hiện ý định của mình và cho thấy kết quả", ông Dorsey nói.
Thượng nghị sĩ Cruz cũng đã có những lời chỉ trích nhắm vào Google đó là "sẵn sàng thao túng kết quả tìm kiếm để ảnh hưởng và thay đổi kết quả bầu cử."
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal cáo buộc phe Cộng hòa đang sử dụng phiên điều trần như một trò chơi chính trị.
"Tôi kinh hoàng khi các đồng nghiệp đảng Cộng hòa của mình đang tổ chức phiên điều trần này vài ngày trước cuộc bầu cử. Họ dường như muốn bắt nạt và đánh bại các nền tảng mạng xã hội để làm có lợi cho Tổng thống Trump".
Các CEO trước đó đã bảo vệ Mục 230 trong lời khai bằng văn bản đồng thời cảnh báo rằng các cải cách được đề xuất có thể dẫn đến nhiều nội dung có hại và lạm dụng trên mạng cũng như sẽ hạn chế hơn là mở rộng quyền tự do ngôn luận.
CEO Sundar Pichai của Google cho biết Mục 230, một phần của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp năm 1996, "đã là nền tảng cho sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ."
Ông Pichai cảnh báo các nghị sĩ phải "rất ý thức về hậu quả của những thay đổi đối với doanh nghiệp và khách hàng" khi sửa đổi Mục 230. |
Trong khi đó, Mark Zuckerberg tỏ ra cởi mở với việc cải cách luật, gây bất ngờ cho những người bảo vệ quyền kỹ thuật số.
"Tôi tin rằng Quốc hội nên cập nhật luật để đảm bảo nó hoạt động như dự định", CEO Facebook nêu ý kiến.
CEO Facebook Mark Zuckerberg tại phiên điều trần. Ảnh: AP |
Jesse Blumenthal, một nhà hoạt động quyền kỹ thuật số của Viện Charles Koch, cho biết Zuckerberg dường như đang thay đổi quan điểm của mình và lưu ý rằng "việc mở cánh cửa này có khả năng là một bước lùi cho quyền tự do ngôn luận."
Các nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số cho rằng sự chú ý nhắm vào Mục 230 là sai lầm và các biện pháp khác nhau sẽ vi hiến hoặc phản tác dụng.
“Mọi người đều dựa vào Mục 230, từ các blog nhỏ đến nền tảng internet lớn", Ashkhen Kazaryan, người đứng đầu về quyền tự do dân sự tại tổ chức phi lợi nhuận TechFreedom cho biết.