National Interest dẫn lời Sergei Korotkov, giám đốc điều hành Tập đoàn Chế tạo Máy bay MiG (RSK MiG) cho biết, những chiếc MiG-35 đầu tiên và chúng sẽ sớm được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga để tiến hành thử nghiệm.
Ông Korotkov không tiết lộ số lượng MiG-35 trong lô đầu tiên hay liệu các chiến đấu cơ này có được sản xuất đại trà ngay lập tức hay không.
Tiêm kích MiG-35 có khả năng ngắm bắn 10 mục tiêu, tấn công 4-6 mục tiêu đồng thời.
“Chúng tôi đang theo đúng kế hoạch trong hợp đồng đã ký với Bộ Quốc phòng. Ngay bây giờ, tại đây, các máy bay đang được lắp ráp. Chúng sẽ được chuyển giao cho khách hàng để bay thử nghiệm vào mùa hè năm nay”, ông Korotkov nói.
Trước đó, giám đốc điều hành tập đoàn RSK MiG từng nói rằng, MiG-35 có thể được đưa vào biên chế cho quân đội Nga trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020.
Tiêm kích MiG-35 là phiên bản cải tiến của MiG-29. Trong khi phần khung giống nhau, MiG-35 có những thay đổi cơ bản ở phần mũi. MiG-35 sở hữu hệ thống kiểm soát bay hoàn toàn mới, phần khung nhẹ hơn, mang theo nhiều nhiên liệu hơn, động cơ hoạt động hiệu quả hơn với tốc độ nhanh gấp 1,5 lần so với MiG-29 (Mach 2,23 – khoảng 2731,8 km/giờ).
MiG-35 bao gồm cả hai phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
MiG-35 sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất.
Theo ông Korotkov, MiG-35 là thế hệ máy bay 4++, tức là được trang bị thêm một số tính năng của chiến đấu cơ thế hệ 5 như khả năng tàng hình và đa nhiệm
MiG-35 có thể khóa 10 mục tiêu cùng lúc, khai hỏa đồng thời 4-6 mục tiêu, khả năng tác chiến điện tử và có hệ thống chống tên lửa.
Chiến đấu cơ này có thể mang theo nhiều vũ khí, đạn dược hơn các mẫu tiền nhiệm, bao gồm một pháo 30 mm, các tên lửa đối không, đối đất, đối hạm và chống radar, rocket, bom và mìn thả từ trên không.
Quan trọng hơn, MiG-35 sẽ được trang bị hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động Zhuk-MA, với khả năng phát hiện mục tiêu cỡ chiến đấu cơ từ khoảng cách hơn 85 hải lý.
MiG-35 cũng sẽ sở hữu hệ thống định vị quang học (OLS - Optical Locator System), tạo nên hệ thống "mắt thần", vạch mặt các chiến đấu cơ tang hình của Mỹ như F-22 hay F-35.
Các hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ sẽ có mặt trên tiêm kích MiG-35, đây là lĩnh vực mà Nga hiện đang vượt trội hoàn toàn so với Mỹ.
Với việc sản xuất MiG-35, tập đoàn RSK MiG kỳ vòng có thể lấy lại thị phần đã mất trên thị trường buôn bán máy bay quốc tế, trong bối cảnh để đối thủ Sukhoi vượt mặt kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Đăng Nguyễn