Điều này gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, có nguy cơ đẩy giá cả leo thang và đe dọa sự phục hồi hậu đại dịch Covid-19 của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng cao, đặc biệt là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho việc thúc đẩy sản xuất. Theo Bộ Công thương, so với thời điểm tháng 12/2020, giá dầu thô WTI tăng 53,1%, giá dầu thô Brent tăng 46,2%; giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới có xu hướng tăng ở hầu hết các mặt hàng.
Đặc biệt là giá nguyên liệu sắt, thép tăng mạnh, bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020, giá một số quặng sắt và thép phế, phôi thép nhập khẩu tăng từ 57-101%.
Trong nước, mặt bằng giá cả thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 ngoại trừ tháng 2 là có diễn biến tăng theo quy luật vào dịp lễ, Tết thì xu hướng chủ yếu là chỉ tăng/giảm nhẹ đan xen do chịu tác động từ các yếu tố cung, cầu trong nước cũng như trên cả thế giới.
Qua thống kê cho thấy, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước.
Có một số nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá như: một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu trong nước tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng; mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước giá tăng do tác động từ thị trường thế giới; giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu trong một số thời điểm đầu năm…
Song cũng có một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa hồi phục; giá các mặt hàng thực phẩm trong đó có thịt lợn, thịt gà giảm; các nhóm hàng trong danh mục nhà nước định giá về cơ bản được giữ ổn định hoặc không xem xét tăng giá…
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, trong thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng thiết yếu cục bộ do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao tại một số thời điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ, về cơ bản đã được ngăn chặn.
Về cơ bản, giá cả các mặt hàng thiết yếu được điều hành linh loạt, phù hợp với mục tiêu đề ra.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian còn lại của năm 2021, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Theo ước tính của Nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% mỗi tháng so với tháng trước để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng.
Từ việc đánh giá các kịch bản điều hành giá cho thấy, việc kiểm soát lạm phát cần hướng tới việc kiểm soát để tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Theo đó, công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Từ đó, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.