WHO dẫn chứng trong năm 2013-2014, chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra vào khoảng 269 tỷ USD, cao hơn nhiều so với doanh thu mà thuốc lá mang lại.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 6 triệu ca tử vong trên thế giới/năm và con số này dự kiến sẽ tăng lên 8 triệu người vào năm 2030, với hơn 80% ca tử vong xảy ra ở các nước có thu nhập vừa và thấp.
Theo nghiên cứu, khoảng 80% người hút thuốc lá sống tại các nước có thu nhập vừa và thấp, và mặc dù tỉ lệ hút thuốc đã giảm so với quy mô dân số toàn cầu, tổng số người hút thuốc lá trên toàn thế giới lại đang tăng lên.
Nghiên cứu cho rằng tổn thất kinh tế do hút thuốc gây ra sẽ còn tiếp tục tăng, và mặc dù chính phủ các nước có công cụ để giảm thiểu tỉ lệ hút thuốc và tỉ lệ tử vong liên quan do thuốc lá, đấy mới chỉ là những công cụ đem lại hiệu quả trong ngắn hạn.
"Các chính phủ lo ngại kiểm soát thuốc lá sẽ gây tác động bất lợi về mặt kinh tế, nhưng lo ngại đó không có cơ sở. Khoa học đã chứng minh và rất rõ ràng, giờ là lúc phải hành động", báo cáo dài 688 trang viết.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất hạn chế thuốc lá bằng các chính sách hiệu quả và ít tốn kém, như tăng đánh thuế và tăng giá bán thuốc lá, thực hiện chính sách không khói thuốc toàn diện, cấm hoàn toàn tiếp thị các công ty thuốc lá, thêm cảnh báo bằng hình ảnh nổi bật trên bao thuốc lá...
Cạnh đó có thể dùng thuế thuốc lá để tài trợ cho các chiến dịch chống hút thuốc, hỗ trợ cai nghiện và điều trị bệnh do thuốc lá...
Theo Tuổi Trẻ