Ngày hội bắt đầu vào sáng ngày 6/10 với nghi lễ dâng hương trang nghiêm, thành kính tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ, biểu tượng lịch sử nổi bật của Thủ đô. Sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao, đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành. Tất cả đều kính cẩn dâng hương, thể hiện lòng thành kính và tri ân đối với công lao của các bậc tiền nhân, những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Thủ đô qua hàng ngàn năm lịch sử.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao, đại biểu tham dự nghi lễ dâng tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Ảnh: HN |
Ngay sau phần dâng hương, "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" chính thức khai mạc với sân khấu chính bên bờ hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đây là dịp để tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý của Thủ đô: “Đó là văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị. Những giá trị vô giá này là di sản mà chúng ta có trách nhiệm giữ gìn và lan tỏa cho muôn đời con cháu mai sau”.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định những phẩm chất cao quý của Thủ đô. Ảnh: HN |
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của sự kiện là lễ chào cờ đặc biệt, tái hiện khoảnh khắc lịch sử khi Hà Nội chính thức được tiếp quản vào ngày 10/10/1954. Khoảng 8.000 đại biểu có mặt tại sự kiện đã cùng nhau hát vang bài Quốc ca, tạo nên một không gian xúc động, thiêng liêng và tự hào. Lễ chào cờ biểu trưng cho khát vọng hòa bình mãnh liệt, không chỉ của người dân Thủ đô mà còn của cả dân tộc Việt Nam.
Lễ chào cờ đặc biệt làm xúc động người dân Thủ đô. Ảnh: HN |
Được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư công phu, các tiết mục nghệ thuật, diễu hành trong Ngày hội Văn hóa vì hòa bình đã gây ấn tượng sâu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, người dân, khán giả trên sóng truyền hình trực tiếp.
Mở đầu với chủ đề "Hà Nội – Ngày trở về chiến thắng", sự kiện đã tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954 đáng nhớ. Thông qua màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, có sự góp mặt của gần 1.000 chiến sĩ và hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ múa.
Màn tái hiện giàu cảm xúc của Ngày hội Văn hóa vì hòa bình. Ảnh: HN |
Các biểu tượng lịch sử của Hà Nội như Cầu Long Biên, khu phố Cổ, chợ Đồng Xuân, Nhà hát Lớn và Cột cờ Hà Nội - nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày giải phóng - đã trở thành phông nền cho những màn biểu diễn sống động. Những hình ảnh được tái hiện trong ngày hội không chỉ gợi nhớ thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn khơi dậy lòng tự hào, khát vọng hòa bình trong tâm thức mỗi người Hà Nội.
Các đại biểu và người dân Thủ đô chào đón đoàn quân chiến thắng tại sự kiện. Ảnh: HN |
Tiếp nối không khí hào hùng, chủ đề "Dòng chảy di sản" đã tôn vinh nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đặc biệt, phần diễu hành tín ngưỡng là điểm nhấn ấn tượng, khắc họa các giá trị tâm linh, tín ngưỡng lâu đời đối với đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Các nghi lễ tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng… và các vị thần bảo hộ Thăng Long tứ trấn được giới thiệu thông qua các lễ rước linh thiêng.
Sự kết hợp giữa tín ngưỡng truyền thống và nghệ thuật dân gian như múa Giảo Long, múa Ải Lao, chèo tàu Tổng Gối, múa sênh tiền, ca trù, hát xẩm, múa rối… trong các màn diễu hành giúp khán giả hiểu rõ hơn về giá trị tinh thần sâu sắc trong kho tàng văn hóa Thủ đô.
Diễu hành nghi lễ, tín ngưỡng, nghệ thuật truyền thống. An |
Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội cũng được giới thiệu tại sự kiện, với những sản phẩm đặc trưng như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Hàng Trống… Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ phản ánh sự khéo léo, tài hoa của nghệ nhân mà còn thể hiện nét phong phú, đa dạng của Thủ đô.
Các làng nghề được xem như kho tàng di sản quý báu của Thủ đô. Ảnh: HN |
Kết lại ngày hội, phần trình diễn và diễu hành "Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo" đã tôn vinh những nỗ lực bền bỉ của Thủ đô suốt 25 năm trong việc gìn giữ danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng. Trên hành trình phát triển, Hà Nội không ngừng thực hiện các chương trình, hoạt động thiết thực nhằm duy trì môi trường sống ổn định, văn minh. Danh hiệu không chỉ là sự ghi nhận từ cộng đồng quốc tế mà còn là động lực để thành phố tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, hướng tới phát triển bền vững.
Để bảo vệ và phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các chương trình bảo vệ môi trường, mở rộng không gian xanh, thúc đẩy sáng tạo, đồng thời chú trọng bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa. Gần đây, việc được UNESCO công nhận là "Thành phố Sáng tạo" trong lĩnh vực thiết kế đã nâng tầm vị thế của Hà Nội, khẳng định vai trò tiên phong trong việc kết nối các giá trị hòa bình và sáng tạo, mang đến một môi trường sống đầy cảm hứng.
Khối diễu hành, trình diễn nghệ thuật trong phần "Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo". Ảnh: HN |
"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" không chỉ là một sự kiện văn hóa mang tính kỷ niệm mà còn chứa đựng thông điệp sâu sắc về giá trị của hòa bình và tinh thần đoàn kết dân tộc. Sự kiện là dịp để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những chặng đường đầy thăng trầm mà Thủ đô đã trải qua, từ đó nuôi dưỡng lòng tự hào, trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển chung của Hà Nội.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với học sinh Thủ đô Hà Nội. Ảnh: HN |
"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Hà Nội – một thành phố đậm đà bản sắc, luôn vươn mình hướng tới tương lai. Sự kiện đã thành công trong việc tạo nên một không gian văn hóa đa chiều, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa, đồng thời khơi dậy niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, hòa bình, phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội.