Ngày 16-17/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế “Vai trò của du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên”.
Hội thảo thu hút đông đảo lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia uy tín cũng như các doanh nghiệp tâm huyết trong lĩnh vực bất động sản, du lịch trong nước và quốc tế.
Hội thảo Quốc tế “Vai trò của du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên”. |
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh việc coi các di sản văn hóa và thiên nhiên chỉ là nguồn tài nguyên để kiếm lời là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đáng kể đến tính bền vững và mức độ an toàn của các tài nguyên văn hóa, di sản thiên nhiên của mỗi quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Lịch sử đã để lại nhiều bài học lớn cho các quốc gia đang phát triển du lịch như Việt Nam phòng tránh. Ở châu Á là tấm gương của du lịch Bali, Indonesia. Do mải chạy đua bằng mọi giá vì lợi nhuận, hầu như toàn bộ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa bản địa vốn độc đáo và phong phú của vùng đất này đã bị biến dạng chỉ chưa đầy một thập kỷ.
Cố đô Authaia đại diện cho nền văn minh của đất nước Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự, bị UNESCO cảnh báo đưa ra khỏi danh mục di sản văn hóa thế giới, mà nguyên nhân là tác động ồ ạt của du lịch.
“Đây là là ẩn số cần được giải mã chính xác trong quá trình hoạch định chính sách phát triển của mỗi quốc gia, khi đứng trước sự lựa chọn, một bên là sự thôi thúc bởi các lợi ích kinh tế đầy hấp dẫn, và bên kia các mục tiêu văn hóa lâu dài”, ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra.
Trên cương vị đại diện doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch lớn tại Việt Nam, ông Trần Quang Huy – Tổng giám đốc Tập đoàn FLC phát biểu khẳng định phát triển du lịch và bảo tồn di sản không phải là hai mệnh đề đối ngược.
“Di sản là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch, và ngược lại, du lịch cũng sẽ góp phần phục hồi và phát huy giá trị của di sản, tạo điều kiện cho sự hồi sinh của nhiều di sản văn hóa cổ truyền, đồng thời là chiếc cầu nối để giao lưu, gắn kết giữa các chủ thể văn hóa trên toàn thế giới”, ông Trần Quang Huy nói.
Trên thực tế, nếu ngành du lịch chỉ cố gắng khai thác di sản mà không quan tâm tới bảo tồn, thì chỉ trong vòng 5 đến 10 năm, cả du lịch và di sản sẽ đứng trên bờ vực của sự cạn kiệt. Trong khi đó, dòng đời của một sản phẩm nghỉ dưỡng có thể kéo dài trên 50 năm và thậm chí còn lâu dài hơn, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC so sánh.
“Do đó, những nhà đầu tư muốn kinh doanh lâu dài, bài bản trong lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng sẽ phải đứng trước hai lựa chọn, hoặc phát triển bền vững, khai thác song song với bảo tồn, hoặc chấp nhận sớm bị loại khỏi cuộc chơi”, ông khẳng định.
Đặt mục tiêu “phát triển xanh đón chặng đường dài”, Tập đoàn FLC đã sớm vạch ra ba nhiệm vụ cốt lõi song hành cùng quá trình đầu tư và xây dựng các quần thể du lịch nghỉ dưỡng ven biển trên cả nước.
Thứ nhất, khai thác và phát huy giá trị của các di sản tiềm năng, mang lại sự phát triển về kinh tế, xã hội cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung, tránh việc di sản bị bỏ quên, bị hoang hoá.
Thứ hai, bảo tồn các di sản tự nhiên thông qua việc xây dựng các công trình theo định hướng xanh, với dự án nổi bật như 4 sân golf 18 hố dạng links hoàn toàn áp dụng công nghệ tưới tiêu tuần hoàn, các khách sạn đạt tiêu chuẩn “xanh” quốc tế như The Coastal Hill tại Quy Nhơn.
Thứ ba, FLC chú trọng huy động sự đồng thuận của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát duy di sản, một mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp thường bỏ sót.
Những nỗ lực trên đã đảm bảo ba yếu tố trọng yếu trong suốt lộ trình đầu tư và phát triển dự án trên mọi miền đất nước của FLC, đó là bảo vệ di sản tự nhiên; tôn trọng di sản văn hóa - xã hội; và mang lại lợi ích cho cộng đồng người dân tại khu vực dự án, biến họ trở thành một mắt xích vận hành trong cỗ máy khai thác và bảo tồn này.
Ông Trần Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC và ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. |
Đây cũng là quan điểm được các chuyên gia thống nhất trong chương trình hội thảo. Kiến nghị xuyên suốt được nêu lên là sự cần thiết của một hoạch định dài hạn đến từ Chính phủ, chủ động chiến lược phát triển du lịch của quốc gia
Bên cạnh đó, nên học tập các nước tiên tiến việc thể chế hóa các tiêu chí kinh tế - văn hóa dành cho các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế nói chung để từ đó có thể đưa ra các giới hạn, bao gồm cả việc xử phạt các dự án đầu tư làm tổn hại đến các giá trị của các nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của quốc gia.