Thống kê tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng vượt 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 18,16% so với cuối năm 2015.
Phần lớn các nhóm ngân hàng đều có tổng tài sản tăng. Trong đó, tổng tài sản của nhóm công ty tài chính, cho thuê tăng trưởng mạnh nhất với 30,2%, tiếp đến là nhóm các ngân hàng hợp tác xã với 20,45%, trong khi đó nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và Nhà nước cùng tăng 16,89% (nhưng tính về giá trị tuyệt đối thì lớn nhất với lần lượt 3,86 triệu tỷ và 3,42 triệu tỷ đồng).
Cùng với mức tăng tổng tài sản, vốn điều lệ toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong năm qua cũng tăng hơn 6% so với đầu năm đạt 488.424 tỷ đồng. Khối này bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công Thương, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Xây dựng Việt Nam, Dầu Khí Toàn Cầu, Đại Dương. Trong đó, tổ chức tín dụng có vốn điều lệ lớn nhất là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) với hơn 37.234 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước ghi nhận các ngân hàng thương mại năm qua có vốn điều lệ tuyệt đối tăng mạnh nhất với hơn 200.000 tỷ đồng, sau đó là khối Nhà nước tăng thêm 146.543 tỷ, liên doanh tăng 104.100 tỷ đồng.
Về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tất cả các nhóm tổ chức tín dụng đều đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là trên 9%. Trong đó, ngân hàng liên doanh nước ngoài tỷ lệ đạt hơn 33%. Kế tiếp là các tổ chức tín dụng hợp tác xã đạt hơn 28,49%. Còn các nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang có CAR thấp nhất là 9,92%, nhóm cổ phần đạt 11,8%.
Riêng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống hiện ở mức 34,51%. Với nghiệp vụ chính là huy động tiền trong dân cư rồi cho vay, nhóm công ty tài chính là nhóm có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao nhất với 45,3%,
Tỷ lệ này tại các ngân hàng thương mại Nhà nước là hơn 37,3% và ngân hàng thương mại cổ phần xấp xỉ 40%, tại các công ty tài chính và cho thuê tài chính với đặc thù cho vay tín dụng tiêu dùng nên tỷ lệ này là hơn 45%.