Dự luật chi tiêu tạm thời sẽ cấp ngân sách cho một số cơ quan liên bang hoạt động tới ngày 8/3 và một nhóm bộ ngành khác tới ngày 22/3, thay vì thời hạn chót 1/3 và 8/3, để Quốc hội có thêm thời gian hoàn tất và thông qua dự luật ngân sách cả năm. Trước đó, hôm 29/2, dự luật ngân sách tạm thời đã được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua.
Tổng thống Biden đã gọi các cuộc bỏ phiếu vừa qua tại lưỡng viện Quốc hội là “tin tốt cho người dân Mỹ”, nhưng nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp ngắn hạn chứ không phải lâu dài.
Đây là lần gia hạn tạm thời thứ 4 trong những tháng gần đây và nhiều nhà lập pháp kỳ vọng sẽ là lần gia hạn cuối cùng trong năm tài chính hiện tại. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết các nhà đàm phán đã hoàn tất 6 dự luật chi tiêu hằng năm cho các cơ quan liên bang và “gần như đạt được thỏa thuận cuối cùng về những dự luật khác”.
Theo kế hoạch, vào tuần tới, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ thông qua gói 6 dự luật chi tiêu để chuyển lên tổng thống trước ngày 8/3. Sau đó, các nhà lập pháp sẽ làm việc để tài trợ cho phần còn lại của chính phủ trước thời hạn mới là ngày 22/3.
Ở phần cuối của tiến trình, Quốc hội dự kiến sẽ phê duyệt hơn 1,6 nghìn tỷ USD chi tiêu cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10. Số tiền này gần bằng với năm tài chính trước đó và là con số mà cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đàm phán với Nhà Trắng vào năm ngoái.
Trọng tâm mới trong dự luật chi tiêu năm nay không bao gồm gói viện trợ riêng biệt, trị giá 95,3 tỷ USD mà Thượng viện đã phê duyệt cho Ukraine, Israel và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hồi đầu tháng này, với phần lớn số tiền sẽ được chi ở Mỹ để bổ sung cho kho vũ khí quân sự của nước này. Dự luật cũng bao gồm khoảng 9 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo cho thường dân ở Gaza và Bờ Tây, Ukraine và các khu vực chiến sự khác. Trong một tuyên bố hôm 29/2, ông Biden nhấn mạnh: “Đã đến lúc các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện phải đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu và khẩn trương chuyển dự luật lưỡng đảng này đến bàn làm việc của tôi”.