Khoảng 36.000 người đã tham gia phong trào biểu tình trên toàn quốc hôm thứ Bảy, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, đập phá và đốt cháy xe ô tô và chặn đường cao tốc.
Tính chất của cuộc biểu tình đã không chỉ dừng lại ở mục đích phản đối chính sách tăng giá nhiên liệu mới mà còn lan rộng ra trở thành làn sóng chống đối chính quyền của Tổng thống Macron, xuất phát từ khoảng cách giàu nghèo giữa người dân ở thành thị và nông thôn.
Phát biểu trên đài phát thanh châu Âu 1 hôm Chủ nhật, phát ngôn viên Benjamin Griveaux cho biết chính phủ Pháp đang xem xét "tất cả các lựa chọn" để ngăn chặn tình trạng "bạo lực nghiêm trọng", bao gồm cả việc ban hành tình trạng khẩn cấp.
Ông Griveaux nói rằng khoảng 1.000 đến 1.500 người đã tham gia biểu tình hôm thứ Bảy vừa rồi "chỉ để đụng độ với cảnh sát, đập phá và cướp bóc và rằng "những kẻ đó không liên quan đến phe áo vàng".
Gần 400 người đã bị bắt giữ trong các cuộc bạo loạn tại Pháp vào cuối tuần vừa rồi, một số người dự kiến sẽ phải hầu tòa vào đầu tuần.
Ông Macron đã trở thành tâm điểm hứng chịu sự giận dữ của những người biểu tình, thay vì các nguyên nhân gây tăng giá nhiên liệu khác như việc OPEC sẽ giảm sản xuất dầu mỏ, hay Mỹ áp đặt các mức thuế quan đối gây tê liệt ngành xuất khẩu dầu thô của Iran.
Tổng thống Pháp đã yêu cầu Bộ Nội vụ phát triển một chính sách để đối phó với bất kỳ cuộc biểu tình nào, hiện chưa rõ khi nào Thủ tướng Philippe sẽ gặp mặt đại diện của phe áo vàng.
Ông Macron cũng đã tổ chức một cuộc họp an ninh khẩn cấp với các quan chức hàng đầu vào ngày Chủ nhật. Trong một tuyên bố bằng văn bản, ông đã dành lời khen ngợi các lực lượng thực thi pháp luật và các đội cứu hộ, những người "thể hiện sự dũng cảm không ngừng trong suốt cả ngày và đêm", theo một thông cáo từ Tổng thống Pháp.
Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet nói rằng tình trạng bất ổn là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", nhưng nói thêm rằng bà sẽ không đề nghị ban hành tình trạng khẩn cấp, nhấn mạnh rằng có các "lựa chọn thay thế" để giải quyết cuộc khủng hoảng.