"Chỉ những người đã trải qua đêm đó mới có thể tha thứ, và làm như vậy sẽ mang lại món quà của sự tha thứ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại đài tưởng niệm tội ác diệt chủng Gisozi ở thủ đô Kigali, nơi chôn cất hơn 250.000 nạn nhân. "Với sự khiêm tốn và tôn trọng dành cho mọi người ngày hôm nay, tôi nhận ra mức độ trách nhiệm của chúng tôi".
Trong khi đó, Tổng thống Rwandan Paul Kagame hoan nghênh bài phát biểu của người đồng cấp Pháp, thừa nhận rằng "lời nói của ông ấy có sức mạnh hơn một lời xin lỗi".
Ông Kagame cho biết Tổng thống Macron đã đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và nhấn mạnh việc Rwanda sẵn sàng thiết lập lại quan hệ với Pháp, nói rằng "chuyến thăm này là vì tương lai chứ không phải quá khứ".
Chuyến thăm Rwanda của ông Macron diễn ra sau khi một ban điều tra của Pháp vào tháng 3 cho biết chính phủ Pháp khi đó cũng phải gánh một phần trách nhiệm "nghiêm trọng" vì không lường trước được vụ diệt chủng năm 1994.
Tổng thống Paul Kagame ca ngợi bản báo cáo là "đáng chú ý, độc lập" và cho rằng nó đã mở ra cánh cửa bình thường hóa quan hệ. Ông Kagame, một người Tutsi, từng là chỉ huy lực lượng quân đội đã chấm dứt cuộc diệt chủng của người Hutu năm 1994.
Báo cáo đã miễn cho Pháp tội đồng lõa trong vụ giết hại hơn 800.000 người Tutsi và Hutu ôn hòa - một cáo buộc mà Tổng thống Macron đã cẩn thận lưu ý trong bài phát biểu của mình tại đài tưởng niệm hôm thứ Năm.
"Những kẻ giết người rình rập ở đầm lầy, đồi núi, nhà thờ, không hề mang bộ mặt của nước Pháp. Nước Pháp không phải là đồng phạm", ông Macron nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Rwanda của một nhà lãnh đạo Pháp kể từ năm 2010, Tổng thống Macron cũng hứa sẽ bổ nhiệm một đại sứ mới, đặc phái viên Pháp đầu tiên được công nhận kể từ năm 2015. Pháp đã từ chối bổ nhiệm một đại sứ mới sau khi Tổng thống Kagame cáo buộc nước này đồng lõa trong cuộc diệt chủng.
Bộ trưởng Tài chính Rwanda Uzziel Ndagijimana cũng cho biết đã ký một khoản vay trị giá 60 triệu euro với Pháp để tài trợ cho việc tiếp cận vaccine COVID-19 và bảo trợ xã hội.
Tổng thống Macron hiện đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao để xóa bỏ quá khứ thực dân của mình. Hồi tháng 4, ông đã đồng ý mở kho lưu trữ tài liệu về Rwanda của chính phủ Pháp dưới thời cựu Tổng thống Francois Mitterrand.
Ngay sau đó, Rwanda đã công bố báo cáo của riêng mình rằng chính phủ Pháp khi đó biết rằng một cuộc diệt chủng đang được lê kế hoạch và ngầm ủng hộ phe phái của người Hutu.
"Các quan chức Pháp đã trang bị vũ khí, cố vấn, đào tạo, trang bị và bảo vệ chính phủ Rwanda", báo cáo từ phía Rwanda kết luận, đồng thời cho biết Pháp đã che đậy vai trò của mình trong nhiều năm.