Tổng thống Philippines khẳng định ông cảm thấy "xấu hổ" khi cảnh sát chống ma túy lợi dụng quyền lực để bắt cóc, gây ra cái chết của doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick Joo và sẽ giải tán lực lượng này.
Theo Channel News Asia, ông Duterte lên tiếng thừa nhận khoảng 40% cảnh sát trong nước có liên quan tới các hành vi sai trái.
"Cảnh sát là lực lượng tham nhũng nhiều nhất. Họ tham nhũng tới tận xương tủy, điều đó ăn sâu vào hệ thống của họ", ông nói với các phóng viên.
Theo đó, ông cho những kẻ có liên quan tới cái chết của Jee Ick Joo 48h để đầu thú trước khi mở chiến dịch truy lùng gắt gao với số tiền thưởng trị giá 100.000 USD.
Tuy nhiên, ông khẳng định "sẽ duy trì cuộc chiến chống tội phạm ma túy tới ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình", dù việc giải tán đơn vị cảnh sát có thể ảnh hưởng tới chiến dịch.
Đại diện cảnh sát, ông Ronald dele Rosa, chia sẻ việc chấm dứt hoạt động của lực lượng chống ma túy là bước cần thiết để tái xây dựng một đội ngũ tốt hơn.
Trước đó, tổng thống Philippines từng cho rằng ông sẽ không để bất cứ sĩ quan cảnh sát nào phải vào tù vì giết người trong chiến dịch chống tội phạm ma túy đẫm máu do ông khởi xướng.
Nhiều người phản đối cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte cũng như lực lượng cảnh sát Philippines sau cái chết không rõ ràng của doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick Joo. |
Chiến dịch của ông Duterte vấp phải sự phản đối từ nhiều nước do lo ngại về vấn đề nhân quyền. Ông từng nhấn mạnh rằng mình "hạnh phúc khi được tiêu diệt" 3 triệu người nghiện trong cuộc chiến chống ma túy.
Ông Duterte, cựu thị trưởng thành phố Davao, thắng cử tổng thống Philippines hồi tháng 5/2016 với lời hứa sẽ "quét sạch" tệ nạn ma túy và tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm ở Philippines.
Điều này mở ra một chiến dịch đẫm máu của lực lượng cảnh sát. Theo số liệu chính thức, cảnh sát Philippines giết hơn 2.500 người do tình nghi có liên quan tới ma túy. Khoảng 4.000 người khác thiệt mạng mà không có nguyên nhân chính thức.