Phản ứng ban đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với dịch Covid-19 đang ngày càng bị soi xét nhiều hơn giữa lúc toàn cầu đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm virus corona, với hơn 88.500 người tử vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/4 tiếp tục chỉ trích WHO bằng lời lẽ nặng nề, ám chỉ rằng số người chết nhiều như vậy vì WHO đã không đưa ra được "phân tích chính xác", một ngày sau khi ông nói tổ chức này đã "khuyến cáo sai lầm".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 8/4. - Ảnh: Reuters. |
"Chính trị hóa" dịch bệnh
"Vui lòng đừng chính trị hóa con virus này. Nó lợi dụng những bất đồng các vị đang có ở cấp độ quốc gia. Nếu các vị muốn bị lợi dụng, và nếu các vị muốn có thêm nhiều túi đựng thi thể, thì hãy cứ làm vậy", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo hôm 8/4 ở Geneva, Thụy Sĩ, theo CNN.
"Nếu các vị không muốn có thêm nhiều túi đựng thi thể, thì hãy hãy ngừng việc chính trị hóa vấn đề. Thông điệp ngắn gọn của tôi là: Vui lòng "cách ly" việc chính trị hóa Covid. Sự đoàn kết của đất nước các vị sẽ rất quan trọng để đánh bại con virus nguy hiểm này".
Ông Tedros phát biểu sau khi Tổng thống Trump đã gay gắt chỉ trích WHO, cáo buộc tổ chức quốc tế này quá tập trung vào Trung Quốc và đưa ra những khuyến cáo tệ hại trong việc ứng phó với dịch virus corona.
"WHO thực sự là ăn hại", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên Twitter hôm 7/4. "Vì một số lý do, (WHO) được Mỹ chu cấp phần lớn kinh phí nhưng lại quá tập trung vào Trung Quốc".
"May thay tôi từ sớm đã bác bỏ khuyến nghị của họ về việc vẫn mở biên giới với Trung Quốc. Tại sao họ lại cho chúng ta một khuyến cáo sai lầm như vậy", ông nói thêm.
Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng sau đó, ông Trump tiếp tục chỉ trích WHO, cho rằng cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc đã đánh giá thấp nguy cơ dịch bệnh, đồng thời ông cũng đe dọa ngừng đóng góp kinh phí cho tổ chức này.
Tuy nhiên không lâu sau, ông Trump rút lại tuyên bố này, nói với các phóng viên rằng ông "đang xem xét chuyện đó" và thừa nhận rằng đại dịch toàn cầu "có lẽ không phải" là thời điểm tốt nhất để đóng băng khoản đóng góp cho WHO.
Hôm 8/4, ông Trump tiếp tục chĩa mũi dùi vào WHO và đáp trả phát biểu của ông Tedros bằng việc một lần nữa chỉ ra quan hệ giữa tổ chức này và Bắc Kinh.
"Tôi không thể tin nỗi ông ấy đi nói về chính trị nếu các vị nhìn vào quan hệ của họ với Trung Quốc. Hóa ra, Trung Quốc bỏ ra 42 triệu (USD), chúng ta bỏ ra 450 triệu và mọi thứ dường như đi theo cách của Trung Quốc", tổng thống Mỹ nói, theo CNN.
"Điều đó không đúng, không công bằng cho chúng ta và thành thật mà nói cũng không công bằng cho thế giới".
Ông Trump ám chỉ rằng số người tử vong sẽ có thể ít hơn nếu WHO đưa ra "phân tích chính xác".
"Tôi nghĩ khi các vị nói về việc cần thêm nhiều túi đựng thi thể, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm tốt hơn, và ông ấy sẽ phục vụ tốt hơn những người ông ấy phải phục vụ nếu họ đưa ra phân tích chính xác", ông nói.
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng về tình hình dịch bệnh hôm 7/4. - Ảnh: Reuters. |
WHO đã làm gì?
Chính quyền Trump đã quy trách nhiệm cho Trung Quốc trong việc không cảnh báo kịp thời khiến dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu, nhưng gần đây tổng thống Mỹ đã hướng chỉ trích sang WHO.
Tuy nhiên, bản thân ông Trump cũng bị chỉ trích rộng rãi vì công khai đánh giá thấp nguy cơ dịch bệnh lúc đầu, khi ông so sánh với bệnh cúm thông thường và nói tình hình đang được kiểm soát, trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trong cuộc họp báo ở Geneva, người đứng đầu WHO đã nhắc lại các mốc thời gian trong phản ứng của tổ chức trước dịch bệnh. Chuỗi hành động bao gồm việc thông báo cho các nước thành viên về dịch bệnh ngày 5/1, ban hành "hướng dẫn toàn diện" ngày 10/1 và tuyên bố "tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng" ngày 30/1.
"Chúng tôi nói chúng tôi đã và đang làm mọi thứ có thể nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ - cả ngày lẫn đêm - nhưng chúng ta đã và đang làm để cứu người. Chúng tôi không muốn lãng phí thời gian", ông Tedros nói.
WHO đã bị chỉ trích vì phụ thuộc vào số liệu của chính phủ Trung Quốc liên quan tới dịch bệnh, những con số mà giới chức các nước nghi ngờ về độ chính xác. Họ cũng bị chỉ trích vì dòng tweet ngày 14/1 nói rằng điều tra ban đầu của lực lượng chức năng Trung Quốc cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về việc virus có thể lây từ người sang người.
Tuyên bố ngày 30/1 của WHO về tình trạng khẩn cấp có nghĩa là tổ chức này thừa nhận virus là mối đe dọa cho cả các khu vực bên ngoài Trung Quốc. Đây là ngày mà những ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được báo cáo ngoài Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia WHO đến Vũ Hán hôm 23/2. - Ảnh: China Daily. |
Tuy nhiên, cũng trong tuyên bố khẩn cấp, WHO nói họ không khuyến cáo hạn chế về đi lại hay giao thương, nói các biện pháp như vậy không có tác dụng và nếu có thì chỉ nên được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn.
Một ngày sau, chính quyền Trump hạn chế luồng di chuyển từ Trung Quốc, nhưng nhiều người từ nước này vẫn có thể nhập cảnh Mỹ.
Ngày 4/2, WHO nói dù sự lây lan của virus chưa đến mức độ đại dịch, nó đã được xem là dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều ca nhiễm hơn mức bình thường.
Ngày 11/3, WHO tuyên bố dịch bệnh là đại dịch, có nghĩa là virus đã lây lan trên phạm vi toàn cầu.