Chỉ rừng già biết câu trả lời?
Tuần trước, viên phi công Daniel Boyer tuyên bố rằng ông đã tìm thấy phần mũi và đuôi của chiếc máy bay bay MH370 ở phía tây bắc của thủ đô Phnom Penh của Campuchia thông qua Google Maps.
Ông Boyer nói rằng các vật thể màu trắng mà ông phát hiện nằm trong rừng già Campuchia có kích thước tương tự chiếc Boeing 777 gặp tai nạn. Theo Boyer, một cửa sổ buồng lái cũng có thể được nhìn thấy trên phần mũi máy bay. Ngoài ra, ông tin rằng đã nhìn thấy một phần màu đỏ giống như logo hãng hàng không Malaysia Airlines trên "đuôi" máy bay, nằm cách vài mét với bộ phận được cho là "mũi".
Tiết lộ Boyer được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi một nhà sản xuất video người Anh - Ian Wilson, tuyên bố đã tìm thấy vị trí của máy bay MH370 trong rừng cách khoảng hơn 16 km so với vị trí mà Boyer phát hiện cũng thông qua ứng dụng Google Maps. Giả thuyết này sau bị nghi ngờ do đây có thể hình ảnh một chiếc máy bay đang di chuyển ngang qua khu vực trên ảnh.
Tuy nhiên, Google Maps sau đó đã cập nhật hình ảnh của khu vực rừng rậm nơi được cho là có xác của chiếc máy bay MH370. Máy bay vẫn ở cùng một vị trí trên các bức ảnh vệ tinh từ năm 2017 đến năm 2015 (theo dữ liệu của Google Maps). Điều này đã xác nhận giả thuyết của Wilson, càng thôi thúc nhà sản xuất video này thực hiện chuyến đi tới Campuchia để tìm ra chiếc máy bay mất tích.
Bị tấn công bởi tin tặc
Vào cuối tháng 7, điều tra viên chính phủ Malaysia - Kok Soo Chon, nói rằng chiếc máy bay đã được chuyển sang hệ thống kiểm soát bằng tay trước khi biến mất khỏi radar. Ông Kok không loại trừ khả năng có một "sự can thiệp bất hợp pháp từ bên thứ ba", thúc đẩy giả thuyết rằng chiếc máy bay đã bị tấn công từ xa bởi các tin tặc.
Một cựu phi công quân sự giấu tên trong một bài đăng trên tạp chí Forbes cho biết có thể một người bí ẩn đã trốn bên trong buồng điện và điện tử ở bên dưới cabin chính trước khi lên máy bay và nắm quyền kiểm soát chiếc Boeing 777 bằng các thiết bị điện tử cầm ta.
Sau đó, kẻ này đã làm giảm độ cao của máy bay và vô hiệu hóa thiết bị oxy trong cả cabin chính và buồng lái, trước khi để máy bay đâm xuống biển.
Phi công tự sát
Larry Vance, chuyên gia hàng không và cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Canada, cho biết vào tháng 5 rằng ông tin rằng "chắc chắn 100%" một trong những phi công đã cố tình đâm máy bay xuống biển.
Theo ông Vance, viên phi công 53 tuổi - Zaharie Ahmad Shah, đã hạ áp máy bay khi các hành khách chưa kịp đeo mặt nạ dưỡng khí, rồi đâm chiếc Boeing 777 vào đại dương và biến mấy mãi mãi. Tuyên bố này lặp lại những suy đoán của cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, người trước đó cho rằng "rất có khả năng cơ trưởng Shah đã lên kế hoạch từ trước".
Không quân Malaysia đánh chặn
Một giả thuyết thậm chí còn kỳ lạ hơn cho rằng MH370 đã bị đánh chặn bởi một máy bay chiến đấu của Malaysia trước khi nó biến mất. Andre Milne - một điều tra viên tình nguyện và người sáng lập công ty công nghệ quốc phòng Unicorn Aerospace, tuyên bố rằng MH370 đạt độ cao 17.740m, mặc dù một chiếc Boeing không thể vượt quá 13.500m.
“Thực tế là một chiếc máy bay chiến đấu đã được triển khai do việc biến mất khỏi radar cho thấy chiếc máy bay đã có thể trở thành mối đe dọa và mang dấu hiệu thù địch.
Chúng ta đều chắc chắn đã biết việc chính phủ (Malaysia) điều động máy bay chiến đấu, điều này có nghĩa là toàn bộ chuỗi chỉ huy và kiểm soát đã được đặt vào tình trạng cảnh giác cao độ để đối phó với mối đe dọa thù địch này", ông Milne nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Star của Anh.
Gặp sự cố về điện
Rush Limbaugh - một người dẫn chương trình trên đài phát thanh của Mỹ và là nhà bình luận chính trị, cho rằng chiếc máy bay bị bắn rơi bởi một quốc gia thù địch không xác định.
"Sẽ thế nào nếu chiếc máy bay gặp sự cố về điện nhưng các động cơ tiếp tục hoạt động, các phi cơ sẽ cho rằng: 'Chúng ta phải trở về, chúng ta phải quay lại Kuala Lumpur, chúng ta không thể bay mà không có điện", Limbaugh đặt ra giả thuyết của mình với các thính giả.
"Lúc đó đang là ban đêm. Họ lại bay qua một loạt các quốc gia không thân thiện và họ không thể tự xác định mình, không hề có đèn nên không ai xác định được họ. Nếu một số quốc gia thù địch điều máy bay lên đó và bắn hạ (MH370) rồi sau đó phát hiện ra sai lầm của họ và không ai muốn thừa nhận những gì đã xảy ra?", Limbaugh cho biết.
Tất cả vẫn còn là bí ẩn
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines với 239 hành khách và phi hành đoàn trên khoang máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar 40 phút vào ngày 8/3/2014 sau khi bay đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Sau nhiều năm tìm kiếm, chính phủ Malaysia thừa nhận vào tháng 7 năm 2018 rằng họ không biết chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay. Nhóm điều tra cho biết trong báo cáo của mình rằng một sự cố kỹ thuật đã không xảy ra và các hành động của hai viên phi công đều không có ý đồ tiêu cực. Các tài liệu này đã gây ra sự phẫn nộ từ gia đình các nạn nhân, những người đã cáo buộc chính quyền Malaysia giữ lại thông tin quan trọng.
Mặc dù các nhà điều tra Malaysia, Trung Quốc và Australia đã tiến hành một loạt các hoạt động tìm kiếm trị giá hàng triệu USD, chỉ một vài mảnh vụn được cho là một phần của chiếc máy bay bị mất tích đã được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm Mozambique, Nam Phi và đảo Réunion của Pháp. Ấn Độ Dương.
Theo Sputnik