Trang tin Want China Times (Đài Loan) hôm 18/6 cũng đưa tin, Văn phòng Đăng ký Bất động sản thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc cho biết nước này sẽ công nhận quyền sở hữu và sử dụng “bất động sản” trên biển và đảo thuộc "chủ quyền lãnh thổ" của Trung Quốc.
Economic Observer cũng chỉ ra, “Bất động sản” cụ thể ở đây là “đất, vùng biển và đảo, nhà ở, những tòa nhà, rừng cây và các vật thể bất di bất dịch”.
Đảo Trường Sa lớn nhìn từ trên cao |
Các nguồn tin còn xác nhận bất kỳ người dân hay doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng có thể đăng ký quyền sở hữu và sử dụng đất, nhà ở, vùng biển ở những đảo và quần đảo trên biển Đông, bao gồm các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hệ thống đăng ký quyền sử dụng bất động sản mới sẽ được Trung Quốc áp dụng vào năm 2018.
Want China Times cho rằng hệ thống đăng ký quyền sử dụng bất động sản mới này cho thấy Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong chiến lược bành trướng lãnh thổ của nước này ở biển Đông.
Căng thẳng ở biển Đông leo thang kể từ khi Trung Quốc hồi tháng 5.2014 đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép vào vùng biển Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa.
Chưa dừng ở đó, bất chấp luật pháp quốc tế và sự lên án của cộng đồng toàn cầu, sau Hải Dương 981, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ hai vào hạ đặt trái phép trong Biển Đông.
Theo trang web Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17/6, nước này sẽ tiếp tục tung giàn khoan thứ 2 ra biển Đông từ ngày 18-20/6.
Giàn khoan thứ 2 này có tên Nam Hải số 9, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), được cho là đưa ra khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.