Ông Dan Smith thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đã dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ có từ 30 đến 40 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, trích dẫn bài phát biểu tại dinh thự của Đại sứ Thụy Điển tại Hàn Quốc.
Báo cáo trước đây của SIPRI chỉ ra rằng Triều Tiên sở hữu từ 20 đến 30 đầu đạn trong kho vũ khí của mình, tăng từ 10-20 đầu đạn năm 2018. Do đó, ước tính của chuyên gia Smith cho thấy Bình Nhưỡng đã không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tiến hành song song các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
"Mặc dù vậy, có rất nhiều điều không chắc chắn liên quan đến ước tính của chúng tôi về khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Và điều đó chủ yếu là do Triều Tiên không cởi mở về vấn đề này", theo bà Shannon Kile, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT.
Ông Smith nói rằng Washington và Bình Nhưỡng trước hết cần phải đồng ý cách xác định các điều khoản. Định nghĩa về phi hạt nhân hóa là một vấn đề lớn cần được giải quyết bởi đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề chính trị. Theo Smith, yếu tố chính để giải quyết bài toán hạt nhân không nằm trong tay Hàn Quốc mà là nước Mỹ.
Trong khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có nhiều cuộc hội đàm với cá nhân ông Trump và cả hai bên đã đồng ý rằng việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên phải được triển khai, các bên lại có cách tiếp cận khác nhau.
Các quan chức Mỹ định nghĩa phi hạt nhân hóa là Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, trong khi Triều Tiên cho rằng Washington phải rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ tìm kiếm sự phát triển kinh tế trong một cuộc chạy đua vũ trang. Hôm thứ Ba, tờ báo Rodong Sinmun của Triều Tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế bằng cách tuyên bố đó là quyết tâm kiên định và ý chí của đảng để xây dựng sức mạnh kinh tế quốc gia trong thời gian ngắn nhất.
Triều Tiên hiện đang chịu lệnh trừng phạt toàn cầu nghiêm ngặt nhất trong lịch sử sau vụ thử vũ khí hạt nhân năm 2017.
Theo báo cáo gần đây của SIPRI, các quốc gia như Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Israel cũng đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trong năm qua.