Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, ông Trump lập tức gọi kẻ bắn chết đại sứ Nga ở Ankara là “khủng bố Hồi giáo cực đoan” dù chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chưa kết luận về động cơ gây án hay những nhóm có liên quan đến y. Trong khi đó, Nhà Trắng nhấn mạnh là ông Obama “quyết tâm đối đầu với khủng bố”.
Về vụ việc ở Berlin, tổng thống đắc cử Mỹ nói đây là “vụ tấn công khủng bố kinh hoàng”, trong khi Nhà Trắng gọi là “tai nạn khủng khiếp” và “có biểu hiện như một vụ tấn công khủng bố”.
“Đây là hai phong cách hoàn toàn khác biệt, dù có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn”, ông Lorenzo Vidino, giám đốc chương trình về chủ nghĩa cực đoan tại Đại học George Washington, nói. Theo ông, cả 2 cách tiếp cận đều có những mặt tích cực và tiêu cực.
Trump mạnh mẽ, Obama thận trọng
James Jeffrey, người từng là đại sứ Mỹ tại Iraq dưới thời Tổng thống Obama, nói ông Trump ngay lập tức sử dụng cụm từ “khủng bố Hồi giáo” là điều khác biệt lớn với Tổng thống Obama. Ông Obama luôn tránh việc liên kết Hồi giáo với chủ nghĩa cực đoan.
“Ông Obama thể hiện sự thận trọng nhưng không có sự quyết đoán hay cảm xúc giận dữ. Tôi nghĩ mọi người có thể cần những điều này một chút”, Jeffrey nói trên Wall Street Journal.
Các trợ lý của ông Trump không cho biết tổng thống đắc cử đã dựa vào nguồn thông tin nào để đưa ra tuyên bố về các sự việc ở Berlin và Ankara. Quan chức Nhà Trắng thì nói họ không biết ông Trump có những nguồn tin khác biệt hoặc thậm chí chính xác hơn cả tổng thống về danh tính và động cơ của thủ phạm.
Hai vụ tấn công ở Đức và Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra cùng ngày, trong bối cảnh Trump chưa thể hiện chính sách đối ngoại rõ rệt cũng như với các điểm nóng thách thức như tại Trung Đông, châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, đây là lời nhắc nhở rõ ràng cho điều mà ông Obama đã cố gắng khuyên Trump: Một tổng tư lệnh phải sẵn sàng đối mặt với các tình huống thế giới bất chợt sẽ can thiệp vào mọi lịch trình đã định sẵn.
Trong vụ đâm xe tải ở Berlin, Trump mạnh mẽ tuyên bố “những mạng lưới khủng bố khu vực và quốc tế cần phải bị quét sạch khỏi thế giới” và “tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này cùng với những đối tác trân trọng tự do”.
Theo Itar-Tass, Điện Kremlin nhanh chóng hoan nghênh phản ứng của Trump là “tương đồng” với Tổng thống Vladimir Putin.
“Tuyên bố này giống với điều mà Tổng thống Putin đã kêu gọi nhiều năm qua. Trong khoảng 17 năm qua, Tổng thống Putin đã nói về nhu cầu hợp tác quốc tế để đối phó với kẻ thù nguy hiểm nhất thế kỷ của chúng ta”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Vụ ám sát đại sứ Nga và đâm xe tải ở Berlin là lời nhắc nhở về một thế giới nguy hiểm phức tạp đang chờ đón ông Trump trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ. Ảnh: AP. |
Mối đe doạ khủng bố ngày càng phức tạp
Joe Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), nói một tổng thống phải có khả năng cân bằng các biện pháp đối phó với hàng loạt mối đe doạ.
“Ông sẽ bảo vệ người dân khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân? Ông sẽ bảo vệ những người từ các nước thù địch đang tấn công đồng minh của chúng ta? Ông sẽ bảo vệ người dân tránh những vụ khủng bố ngay ở quê nhà? Mỗi tình hình có cách đối phó khác nhau, nhưng chúng ta cần tất cả”, ông Alterman nói.
Ba đời tổng thống tiền nhiệm của Trump đều chứng kiến những vụ khủng bố xảy ra giữa lòng nước Mỹ. Vụ đánh bom toà tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) diễn ra một tháng sau lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton.
Vụ khủng bố 11/9 xảy ra sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức được 8 tháng. Còn Tổng thống Obama đối mặt với vụ xả súng đẫm máu ở San Bernardino (bang California, năm 2015) và Orlando (bang Florida, năm 2016).
John Cohen, giáo sư Đại học Rutgers và từng là điều phối viên chống chủ nghĩa cực đoan tại Bộ An ninh Nội vụ Mỹ, nói ông Trump sẽ bước vào Nhà Trắng trong giai đoạn Mỹ và châu Âu đối đầu với những mối đe doạ khủng bố phức tạp nhất.
“Một mặt, việc định danh chúng đơn giản khi sử dụng cụm từ 'chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan' có thể tạo ra sự quan tâm nhất định. Mặt khác, mối đe doạ hiện nay rất khác so với những gì mà các đơn vị chống khủng bố từng đối mặt”, Cohen nói.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhấn mạnh rằng sẽ buộc các quốc gia nhận trách nhiệm nhiều hơn trong việc tự phòng thủ bảo vệ đất nước họ. Ông cũng tuyên bố sẽ cấm nhập cảnh tạm thời với người dân từ Syria và Iraq. Các vị trí chủ chốt quan trọng như bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng An ninh Nội bộ, cố vấn an ninh quốc gia đều do những vị tướng về hưu nắm giữ.
Trong khi đó, đề cử của Trump cho chức ngoại trưởng là ông Rex Tillerson dù là một doanh nhân thành công khi làm ăn với nước ngoài nhưng chưa từng đối mặt hay can thiệp để giải quyết những cuộc nội chiến, những cuộc khủng hoảng nhân đạo…
Đội hình “chưa từng có tiền lệ” của Trump ngay sau khi bắt đầu nhậm chức sẽ ngay lập tức đối mặt với một thế giới đầy rẫy những bất an và các cuộc khủng hoảng bất ngờ.