Vẫn chưa rõ loài động vật nào đã truyền virus corona cho con người, tuy vậy Trung Quốc thừa nhận cần phải kiểm soát thị trường động vật hoang dã béo bở của mình nếu muốn ngăn chặn các dịch bệnh khác.
Vào cuối tháng 2, một lệnh cấm tạm thời đối với việc buôn bán và tiêu thụ "động vật hoang dã trên cạn có giá trị sinh thái, khoa học và xã hội quan trọng" đã được ban hành và dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay.
Một bảo vệ đang đứng bên ngoài chợ buôn bán hải sản Huanan, nơi phát hiện virus corona vào ngày 24/1 ở Vũ Hán. (Ảnh: CNN) |
Tuy vậy, ngừng hoạt động thị trường buôn bán động vật hoang dã tại Trung Quốc sẽ rất khó khăn. Trong nền văn hóa Trung Quốc, động vật hoang dã không chỉ là nguồn thực phẩm mà còn được sử dụng cho y học cổ truyền, quần áo, đồ trang trí và cả vật nuôi.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc kiềm chế việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Năm 2003, một số lượng lớn cầy hương đã bị cấm và tiêu hủy sau khi phát hiện rằng chúng có khả năng truyền virus SARS sang người. Buôn bán rắn cũng bị cấm trong một thời gian ngắn tại Quảng Châu sau khi dịch SARS bùng phát. Dù vậy, ngày nay nhiều nơi tại Trung Quốc vẫn sử dụng các món ăn làm từ động vật hoang dã.
Thịt cá sấu được làm sạch và chế biến tại một khu chợ buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc. (Ảnh: South China Morning Post) |
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng lệnh cấm là bước khởi đầu quan trọng và đang kêu gọi chính quyền Bắc Kinh nắm bắt thời cơ này để thu hẹp các lỗ hổng về sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền Trung Quốc. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chính phủ Trung Quốc bắt đầu thay đổi thái độ văn hóa xung quanh việc tiêu thụ động vật hoang dã.