Căng thẳng giữa Trung Quốc và liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) trở nên gay gắt hơn sau khi Anh và Úc tuyên bố sẽ hỗ trợ nơi ở cho người dân Hong Kong muốn rời khỏi vùng lãnh thổ để tránh bộ luật an ninh quốc gia mới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2-7 đã kêu gọi Anh và Úc rút lại tuyên bố của mình, đồng thời chỉ trích lệnh phạt mới mà Mỹ và New Zealand đã đưa ra để đáp lại luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
“Nếu so sánh giữa việc giữ gìn an ninh của Hong Kong với việc duy trì mối quan hệ của chúng tôi với các nước khác, rõ ràng có thể thấy được việc nào là quan trọng hơn” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Triệu Lập Kiên phát biểu.
Ông Triệu cũng cảnh báo Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó Anh, cáo buộc London vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 bằng cách cung cấp quyền cư trú và nhập tịch cho công dân Hong Kong. Ông này cũng kêu gọi Úc không “nhúng sâu” vào con đường sai lầm giống Anh.
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 1-7 cho biết ông rất “quan ngại” về tình hình ở Hong Kong. Ông cũng khẳng định Úc sẽ sẵn sàng xem xét các đề xuất để chào đón người dân Hong Kong đến cư trú tại nước này.
Ông Morrison không cung cấp thêm chi tiết về các thỏa thuận mà ông nói đến, nhưng cho biết chính phủ Úc sẽ sớm thảo luận và tiến hành các hành động cần thiết.
“Chúng tôi nghĩ rằng đó là một việc làm rất quan trọng và phù hợp giữa con người với nhau” - SCMP dẫn lời Thủ tướng Úc nói.
Phát biểu của ông Morrison được đưa ra sau khi Anh cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ cư dân Hong Kong nào có hộ chiếu hải ngoại Anh đủ điều kiện, bao gồm cả vợ hoặc chồng và con của họ, được phép định cư và được cấp quốc tịch Anh.
Theo SCMP, Anh hồi đầu tháng 6 đã nói chuyện với các đồng minh Ngũ Nhãn , bao gồm Mỹ, New Zealand, Úc và Canada, về việc cùng nhau “chia sẻ gánh nặng” nếu xuất hiện một cuộc di cư hàng loạt từ Hong Kong.
Tại Hong Kong, một số người dân có ý định gia hạn hoặc nộp đơn xin hộ chiếu hải ngoại tại Anh cho biết đề nghị này đảm bảo cho họ một tương lai ổn định, một khi họ rời khỏi Hong Kong.
Tuy nhiên những người này cũng lo ngại và không chắc chắn về việc định cư ở nước ngoài, đặc biệt khi họ sẽ không được quyền nộp đơn xin phúc lợi xã hội và các lợi ích khác trong năm năm đầu tiên ở Anh.
Cô Iris Wong, một cư dân 26 tuổi ở Hong Kong, cho biết việc có hộ chiếu thứ hai ở Anh là rất có giá trị, nhưng cô sẽ xem việc di cư đến Anh là giải pháp cuối cùng, nếu tình hình ở Hong Kong tiếp tục xấu đi.
Ông Jan (40 tuổi) cho biết ông đã đăng đơn xin gia hạn hộ chiếu vào hôm 30-6, dự định cùng vợ và hai con xem xét đến việc di cư sang Anh, nhưng sẽ chờ thêm thông tin chi tiết từ phía Anh quốc.
Trong số các quốc gia thành viên nhóm Ngũ Nhãn, Canada, New Zealand và Mỹ chưa đề xuất bất kỳ chính sách nhập cư đặc biệt nào cho người Hong Kong muốn rời đi để tránh luật an ninh mới mà Bắc Kinh vừa áp đặt.
Chính phủ Mỹ hôm 1-6 đã thông qua việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nhằm thể hiện sự phản đối với bộ luật an ninh mới.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters cho biết chính phủ của ông “vô cùng lo lắng” trước bước đi này của Bắc Kinh.
Đáp trả lại, ông Triệu Lập Kiên nói rằng các chính trị gia Mỹ đang che giấu “ý định xấu xa của họ”. Đại sứ quán Trung Quốc tại New Zealand cũng kêu gọi nước này ngừng can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc.
Bất đồng về vấn đề Hong Kong giữa Trung Quốc với liên minh tình báo năm nước đã ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây, kéo theo những mâu thuẫn về một loạt vấn đề liên quan đến công nghệ, thương mại và chính trị.
Trước đó, vào ngày 30-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật an ninh cho Hong Kong trong buổi họp lúc 9 giờ sáng. Toàn bộ 162 ủy viên đều nhất trí thông qua luật trên.
Luật mới có hiệu lực từ ngày 1-7, đúng 23 năm ngày Trung Quốc tiếp quản Hong Kong từ tay Vương quốc Anh.
Theo SCMP, những người vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động khủng bố, ly khai, lật đổ hoặc câu kết với nước ngoài chống lại lợi ích quốc gia của Hong Kong và Trung Quốc có thể chịu khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.