Tờ China Daily dẫn lời các chuyên gia cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính và chính sách rộng rãi để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Ông Yuan Xin, Phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho biết: “Các chính sách dân số toàn diện hơn sẽ được đưa ra để cải thiện mức sinh, chất lượng của lực lượng lao động và cơ cấu dân số”.
Trung Quốc từng ban hành “chính sách một con” gây tranh cãi vào năm 1978, khi cho rằng những nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển nền kinh tế đang bị hủy hoại bởi sự gia tăng dân số nhanh chóng, đặc biệt là ở nông thôn.
Tuy nhiên vào năm 2016, quốc gia đông dân nhất thế giới đã quyết định nới lỏng các hạn chế và cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nhằm giải quyết sự gia tăng nhanh chóng của người cao tuổi cũng như lực lượng lao động đang giảm dần. Một số chuyên gia nói rằng bây giờ là lúc nên loại bỏ hoàn toàn tất cả các giới hạn.
Theo số liệu vào cuối năm 2019, Trung Quốc đang có tới 254 triệu người trên 60 tuổi (chiếm 18,1% dân số). Các nhà nhân khẩu học cho biết con số này dự kiến sẽ tăng lên 300 triệu người vào năm 2025 và 400 triệu người vào năm 2035, gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội của đất nước.
Các nhà nhân khẩu học cũng dự đoán rằng theo xu hướng hiện tại, số người trong độ tuổi lao động có thể giảm 200 triệu người vào năm 2050.
Bất chấp việc nới lỏng chính sách một con vào năm 2016, số trẻ sinh sống trên 1.000 người đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 10,48 vào năm ngoái, giảm so với 10,94 vào năm 2018.
Các chính sách nhằm ngăn chặn sự gia tăng dân số phải được thay thế bằng một hệ thống được thiết kế để thúc đẩy mức sinh, tờ Legal Daily dẫn lời các chuyên gia chính phủ cho biết.
Zheng Bingwen, một chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết: “Để chủ động giải quyết vấn đề dân số già, cần có các biện pháp cấp bách để cải cách chính sách kế hoạch hóa gia đình và giải phóng mức sinh của đất nước".
Trung Quốc lên kế hoạch cho già hóa dân số
0:00 / 0:00
(Ngày Nay) - Trung Quốc đang có kế hoạch áp dụng các biện pháp mới để khuyến khích người dân sinh nhiều hơn và giải quyết tình trạng dân số già như một phần của “kế hoạch 5 năm 2021-2025 mới".
Theo Reuters